Sớm tìm giải pháp giảm tai nạn giao thông cho học sinh
Tổ chức giao thông một chiều tuyến đường tạm trên dải phân cách giữa đường Nguyễn Xiển Hơn 500 lái xe taxi được tập huấn về văn hóa giao thông Cần đẩy mạnh xây dựng văn hóa giao thông |
Tai nạn có chiều hướng phức tạp
Theo báo cáo của Bộ Công an, từ ngày 15/12/2022 đến 14/10/2023, toàn quốc xảy ra 881 vụ TNGT liên quan đến học sinh (chiếm 8,96% số vụ tai nạn giao thông toàn quốc), làm chết 490 người (chiếm 8,91% số người chết), làm bị thương 827 người (chiếm 11,86% số người bị thương). Trong đó, 10 địa phương xảy ra nhiều tai nạn là: Thành phố Hồ Chí Minh, Gia Lai, Tiền Giang, Bình Phước, Hà Nội, Vĩnh Long, Bình Dương, Long An, An Giang, Bến Tre.
Đáng chú ý, tình trạng học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông diễn biến phức tạp, nhất là hiện tượng học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông đi học bằng phương tiện xe máy, không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng ngang, chạy quá tốc độ, lạng lách, đánh võng, gây rối trật tự công cộng, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu, sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện... Đặc biệt, học sinh điều khiển phương tiện khi chưa có giấy phép lái xe diễn ra khá phổ biến, làm gia tăng nguy cơ tai nạn.
Vào mỗi khung giờ cao điểm, tình trạng học sinh ở Hà Nội vi phạm Luật Giao thông trở nên "nóng" hơn trên nhiều trục giao thông, nhất là các tuyến đường xung quanh trường học. Mặc dù các cơ quan chức năng và trường học đã tuyên truyền, quán triệt cho học sinh và phổ biến đến phụ huynh các quy định về an toàn giao thông, nhưng thực tế cho thấy từ tuyên truyền đến tổ chức thực hiện đang còn một khoảng cách rất lớn, hiệu quả đạt thấp. |
Tại Hội nghị trực tuyến chuyên đề về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đối với học sinh, chia sẻ thông tin liên quan, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2023, lực lượng chức năng của Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 2.374 trường hợp học sinh, sinh viên vi phạm trật tự, an toàn giao thông, tạm giữ 1.031 trường hợp xe mô tô vi phạm.
Cũng trong thời gian này, trên địa bàn Thành phố xảy ra 46 vụ tai nạn giao thông liên quan đến người có độ tuổi từ 6 - 18 tuổi, làm 19 người chết, 59 người bị thương (so sánh cùng kỳ 2022 giảm 14 vụ, giảm 10 người chết, giảm 4 người bị thương).
Các hành vi vi phạm chủ yếu được xử lý dịp này gồm: Không đội mũ bảo hiểm là 2.248 trường hợp; chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy là 800 trường hợp; không có giấy phép lái xe là 67 trường hợp; vi phạm nồng độ cồn là 28 trường hợp…
Ngoài việc học sinh trực tiếp điều khiển phương tiện vi phạm trật tự an toàn giao thông, lực lượng chức năng cũng ghi nhận tình trạng phụ huynh đưa, đón con đến trường vi phạm các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông như: dừng đỗ xe không đúng quy định, chở người ngồi trên xe không đội mũ bảo hiểm...
Nhìn từ những hành vi dẫn đến vi phạm, theo đánh giá từ lực lượng chức năng, những vi phạm này đã phần nào tác động đến nhận thức của chính con em mình đối với việc chấp hành các quy tắc khi tham gia giao thông.
Giải pháp nào ngăn chặn?
Theo thông tin từ Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, qua rà soát, trên địa bàn có tổng cộng 152 vị trí cổng trường học có tình trạng ùn tắc giao thông và nguy cơ mất an toàn giao thông, trong đó khu vực nội thành có 108 vị trí và ngoại thành 44 vị trí.
Đáng chú ý, ngay khi xác định rõ các điểm ùn tắc, Hà Nội đã đưa ra các giải pháp xử lý bao gồm: bổ sung hệ thống báo hiệu đường bộ 51 vị trí, cải tạo hạ tầng giao thông 53 vị trí, huy động lực lượng hướng dẫn giao thông trong giờ cao điểm học sinh đến và tan trường 48 vị trí; hiện đang tập trung xử lý 8 khu vực cổng trường.
Lực lượng chức năng đã lập biên bản và xử phạt nhiều trường hợp học sinh điều khiển xe mô tô, xe gắn máy vi phạm chủ yếu các lỗi như chưa đủ tuổi điều khiển mô tô, xe gắn máy; người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng... Đáng nói, một số học sinh sử dụng lại các xe gắn máy cũ tự độ chế lại, thay đổi màu sơn, kết cấu để tham gia giao thông đến trường, chạy với tốc độ cao, vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông. |
Qua tìm hiểu, thời gian qua, việc học sinh điều khiển xe phân khối lớn vẫn diễn ra khá phổ biến ở các trường Trung học phổ thông. Trong khi vào đầu năm học, quy định này đã được nhà trường thông báo, yêu cầu học sinh và phụ huynh ký cam kết thực hiện nghiêm. Tuy nhiên, theo lý giải của một số phụ huynh, do nhà chỉ có một chiếc xe làm phương tiện đi lại chung, hoặc cha mẹ bận đi làm không thể đưa đón nên đành phải giao xe cho con em tự điều khiển đi học.
Theo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, với tinh thần sinh mệnh con người là vô giá, học sinh là tương lai của đất nước, để giảm các vụ TNGT liên quan đến học sinh, quan trọng nhất là mỗi người dân phải có ý thức về an toàn giao thông, trong đó có àn toàn giao thông cho học sinh. Đặc biệt, mệ thống mặt trận các cấp và các đoàn thể chính trị xã hội cũng cần quan tâm đến nội dung này hơn nữa để tuyên truyền thực chất, hiệu quả, chung tay góp sức giảm số vụ TNGT liên quan đến học sinh, bảo đảm an toàn cho học sinh. Các địa phương cũng tuyệt đối không lơi là chủ quan mà phải tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát để ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm trường hợp học sinh vi phạm pháp luật về ATGT. Người đứng đầu ở các địa phương, đơn vị nâng cao trách nhiệm và có giải pháp hiệu quả trong việc giảm các vụ TNGT liên quan đến học sinh. |
Theo quy định hiện nay, người đủ 16 tuổi trở lên được điều khiển xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 50cm3; người đủ 18 tuổi trở lên được điều khiển mô tô, xe máy có dung tích xi lanh từ 50cm3 trở lên.
Cụ thể, đối với loại xe này, người điều khiển phương tiện phải có Giấy phép lái xe hạng A1. Ðiều này đồng nghĩa với việc đa phần học sinh đang học ở cấp Trung học phổ thông chưa đủ tuổi theo quy định để được cấp Giấy phép lái xe trên 50cm3. Việc các em học sinh chưa có bằng lái, chưa nắm rõ các quy định của pháp luật điều khiển xe máy tham gia giao thông đã gây nên những tai nạn đáng tiếc, thậm chí phải đánh đổi bằng cả mạng sống của mình.
Quanh câu chuyện bảo đảm trật tự an toàn giao thông đối với học sinh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn nhận định: Đã có nhiều vụ TNGT xảy ra liên quan đến người đủ 16 tuổi điều khiển xe gắn máy, xe máy điện do các em không được trang bị đầy đủ kỹ năng điều khiển xe, xử lý các tình huống khi tham gia giao thông trên đường. Từ điều này, ông Dương Đức Tuấn kiến nghị Bộ Công an trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật Trật tự, An toàn giao thông cần đưa ra quy định để quản lý chặt chẽ nhóm đối tượng này nhằm đảm bảo an toàn giao thông.
Ngoài ra, ông Dương Đức Tuấn cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Chính phủ bổ sung Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô để tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông đối với vận tải hành khách nói chung cũng như việc vận chuyển, đưa đón học sinh bằng xe ô tô theo hợp đồng.