Rộ tin nhắn lừa đảo tuyển dụng nhân viên TikTok, Telegram
Khởi tố bắt tạm giam đối tượng lừa đảo làm hồ sơ vay tín dụng VietCredit Gửi tiền nhầm tài khoản - chiêu lừa đảo tinh vi Làm gì để không biến mình thành “gà” khi mua hàng online? |
“Xin chào! Chúc mừng bạn đã trở thành nhân viên bình luận TikTok. Kết bạn Zalo theo số điện thoại để nhận được 10.000-100.000 đồng miễn phí”, nội dung của một tin nhắn lừa đảo mà người dùng nhận được.
Trên thực tế, hình thức lừa đảo này đã xuất hiện tại Việt Nam trong khoảng nửa năm nay. Những tin nhắn này thường đi kèm với lời mời chào về các công việc nhẹ nhàng, linh động thời gian cùng mức thu nhập cao, ổn định.
Các đối tượng lừa đảo chủ yếu gửi tin nhắn rác thông qua iMessage. |
Cách đây vài tháng, nhiều người dùng iPhone cũng đã liên tục nhận được những tin nhắn không rõ nguồn gốc quảng cáo về một công việc với mức lương lên tới 50 triệu đồng mỗi tháng.
“Amazon cần tuyển nhân viên làm việc tại nhà. Số lượng 100 người. Mô tả công việc: xử lý đơn hàng từ nền tảng thương mại điện tử Amazon. Lương hàng tháng từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, ít nhất 500.000 đồng đến 3 triệu đồng mỗi ngày”, lời quảng cáo được đưa ra trong những tin nhắn rác.
Theo nhận định của các chuyên gia từ VNCERT/CC (Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam), với những người vốn đề cao cảnh giác thì tin nhắn này chỉ khiến họ cảm thấy phiền phức. Tuy nhiên, với những người nhẹ dạ cả tin, những tin nhắn này có thể khiến họ bị “sập bẫy” lừa đảo, tham gia vào đường dây đa cấp với quy mô lớn.
Các chuyên gia tại VNCERT/CC cũng khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức phòng ngừa, cảnh giác. Khi nhận được các cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần lưu lại bằng chứng (tin nhắn hoặc ghi âm cuộc gọi), gửi phản ánh tới doanh nghiệp viễn thông quản lý thuê bao để yêu cầu xử lý hoặc cung cấp bằng chứng cho các cơ quan chức năng.
Để không phải nhận tin nhắn rác trên iMessage, người dùng có thể chặn những số điện thoại lạ thường xuyên gửi tin nhắn spam. |
Với những tin nhắn rác được gửi thông qua hình như nhắn tin SMS thông thường, người dùng có thể thiết lập chặn các tin nhắn từ những đầu số lạ này. Tuy nhiên, các đối tượng lừa đảo hiện chủ yếu gửi tin nhắn rác thông qua iMessage.
Việc spam quảng cáo thông qua iMessage được cho là tương đối dễ thực hiện nhưng lại khó có thể ngăn chặn. Theo đó, chỉ cần đăng ký tài khoản Apple ID bằng số điện thoại rác hoặc email, những đối tượng trên có thể dễ dàng gửi tin nhắn kèm các tệp tin đa phương tiện đến hàng loạt người dùng iPhone.
Để không phải nhận tin nhắn rác trên iMessage, người dùng có thể chặn những số điện thoại lạ thường xuyên gửi tin nhắn spam. Bên cạnh đó, người dùng có thể sử dụng tính năng “Lọc người gửi không xác định”. Lúc này, tin nhắn vẫn được gửi đến điện thoại nhưng sẽ được xếp vào danh sách riêng. Cuối cùng, người dùng hãy báo cáo các tin nhắn rác này với Apple.
Sau khi đã thực hiện tất cả giải pháp trên mà vẫn bị làm phiền bởi những tin nhắn rác, người dùng có thể tạm thời tắt tính năng iMessage.
Theo thông tin trên Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, ngày 19/7/2022, chị T.T.H (34 tuổi, ngụ huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) đã trình báo Công an huyện Krông Nô về vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức tuyển cộng tác viên làm việc qua mạng. Cụ thể, chị H. nhận được lời mời tham gia làm cộng tác viên hỗ trợ tăng tương tác cho các tài khoản Tik Tok ở trên mạng để kiếm thêm thu nhập qua app A88. Chị H. được yêu cầu hàng ngày thả tim, theo dõi các trang Tik Tok được yêu cầu. “Thời gian đầu, họ yêu cầu thả tim, theo dõi và tôi sẽ được trả số tiền tương ứng. Họ có vẻ làm rất chuyên nghiệp, đàng hoàng, thanh toán rất đầy đủ nên tôi tin tưởng”, chị H. nói và cho biết chỉ nhận số tiền rất nhỏ. Sau hai ngày, chị H. được thanh toán số tiền khoảng 250 ngàn đồng cho việc theo dõi, thả tim các tài khoản Tik Tok trên mạng. Đến ngày tiếp theo, những người xưng là nhân viên hướng dẫn, nhân viên tài vụ yêu cầu chị H. phải hoàn thành các nhiệm vụ mức độ khó hơn, tức thanh toán các đơn hàng với số tiền ban đầu là vài triệu nhưng sau đó tăng lên hàng chục triệu đồng. Như ban đầu, chị H. làm nhiệm vụ thanh toán hóa đơn hàng với số tiền là 500 ngàn đồng thì được thông báo sẽ nhận lại hoa hồng là 200 ngàn đồng. Nhiệm vụ thanh toán ba triệu đồng thì sẽ nhận lại 1,2 triệu đồng. “Theo đó, mức độ khó mỗi lúc một tăng, từ 500 ngàn đồng lên đến 68 triệu đồng. Chỉ trong ngày 18/7 tôi đã làm bốn nhiệm vụ với số tiền nạp cho họ là 129,5 triệu đồng. Họ thông báo là tôi sẽ nhận được hơn 64 triệu hoa hồng và cả tiền gốc tôi nạp vào là tổng hơn 194 triệu đồng”, chị H. kể lại. Nhóm này sau đó yêu cầu chị H. muốn nhận tiền thì phải đóng thuế thu nhập cá nhân vì thu nhập trên 100 triệu. Sau đó, nhóm này yêu cầu chị H. cung cấp số tài khoản để chuyển tiền nhưng lại thông báo là không chuyển được vì tài khoản không chính chủ. Chị H. được yêu cầu đóng thêm số tiền phí để xác minh tài khoản. Tổng kết, chỉ trong vòng hơn một ngày chị H. đã nộp toàn bộ số tiền 265 triệu đồng cho nhóm lừa đảo. “Ban đầu, họ yêu cầu mình làm những nhiệm vụ nhỏ, số tiền nhỏ và thanh toán cho mình đầy đủ để lấy lòng tin. Sau đó, nâng dần mức độ nhiệm vụ từ vài trăm ngàn đến hàng chục triệu để mình trót lỡ đóng tiền, phải theo tới cùng. Khi mình nghi ngờ thì họ lại tiếp tục yêu cầu muốn lấy tiền gốc thì phải đóng thuế, phí để lấy thêm”, chị H. nói. Chị H. cho biết mình là người có học thức, am hiểu pháp luật và có biết một số hình thức lừa đảo qua mạng xã hội nhưng vẫn bị “mắc câu”. “Số tiền mà tôi nộp vào cho các đối tượng là tiền vay mượn. Tôi hiện không biết xoay xở ra sao để trả”, chị H. tiếp. Qua câu chuyện, chị H. cũng nêu ra lời cảnh báo đến người dân cần nâng cao cảnh giác, tìm hiểu kỹ các thông tin để tránh bị rơi vào hoàn cảnh như mình. |