Phúc thẩm vụ AIC: Không chấp nhận đơn kháng cáo của Nguyễn Thị Thanh Nhàn
Trong số các bị cáo, có 8 bị cáo đang bị truy nã và tiếp tục vắng mặt tại phiên tòa, gồm: Nguyễn Thị Thanh Nhàn (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty AIC), Trần Mạnh Hà (Phó Tổng Giám đốc Công ty AIC), Nguyễn Đăng Thuyết (nguyên Giám đốc Công ty Thành An Hà Nội), Đỗ Mỹ Hạnh (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cát Vân Sa), Ngô Thế Vinh (Giám đốc Công ty Việt Tiên), Nguyễn Thị Tích (Tổng Giám đốc Công ty Mopha), Nguyễn Thị Sen (nguyên Giám đốc Công ty Thiết bị Y tế và Môi trường), Đỗ Văn Sơn (nguyên Kế toán trưởng Công ty AIC).
Tại phiên tòa phúc thẩm, thẩm phán Mai Anh Tài, chủ tọa phiên tòa cho biết, có rất nhiều quan điểm về việc các luật sư của những bị cáo vắng mặt kháng cáo thay thân chủ. Hiện, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn và những bị cáo bị xác định đã bỏ trốn, đang bị truy nã không có mặt tại phiên tòa sơ thẩm tiếp tục vắng mặt ở phiên tòa phúc thẩm.
Cũng theo Hội đồng xét xử phúc thẩm, dư luận quan tâm đến việc kháng cáo bản án sơ thẩm của các luật sư bào chữa cho các bị cáo bị xác định bỏ trốn và hỏi ý kiến của đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố về việc này.
Các bị cáo tại Tòa. (Ảnh: D.T) |
Theo quan điểm của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội: Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm xét xử theo đúng quy định của pháp luật để đảm bảo các bị cáo được xét xử đúng theo quy định của pháp luật, khách quan, trên nguyên tắc có lợi cho bị cáo, mặc dù các bị cáo không có mặt tại phiên tòa để đảm bảo quyền của mình.
Tại phiên toà luật sư bào chữa cho bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và các bị cáo bỏ trốn khác cho hay, họ không nhận được ủy quyền của những bị cáo này. Tuy nhiên, dựa trên bản án sơ thẩm nêu: “Các luật sư bào chữa cho các bị cáo vắng mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án”, họ đã làm đơn kháng cáo thay thân chủ của mình. Luật sư của bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết và Ngô Thế Vinh cho biết, hai người này trực tiếp gửi đơn kháng cáo từ Mỹ về.
Trước ý kiến, kiến nghị của Viện Kiểm sát và luật sư, Hội đồng xét xử nhận định: Từ khi chuẩn bị xét xử sơ thẩm, Tòa án cấp sơ thẩm đã thực hiện việc tống đạt quyết định đưa vụ án ra xét xử đối với các bị cáo bị truy nã theo đúng thủ tục, đồng thời yêu cầu các bị cáo ra đầu thú để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Tuy nhiên, đến phiên tòa sáng 22/5, các bị cáo vẫn vắng mặt.
Do các bị cáo bỏ trốn và bị truy nã, việc truy nã không có kết quả nên Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử vắng mặt các bị cáo theo đúng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 290 Bộ luật Tố tụng hình sự. Sau khi xét xử sơ thẩm, bản án sơ thẩm được niêm yết công khai theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Sau khi xét xử sơ thẩm, do các bị cáo vắng mặt nên Tòa án cấp sơ thẩm đã niêm yết công khai bản án tại nơi cư trú của các bị cáo theo đúng quy định tại khoản 1 Điều 262 Bộ luật Tố tụng hình sự. Tuy nhiên, hết thời hạn kháng cáo, Tòa án cấp sơ thẩm không nhận được đơn kháng cáo của các bị cáo vắng mặt.
Do đó, Hội đồng xét xử xét thấy có đủ căn cứ xác định, trong thời gian kháng cáo, các bị cáo không có kháng cáo và căn cứ vào Điều 345 Luật Tố tụng hình sự, xét thấy không có căn cứ chấp nhận việc các luật sư bào chữa cho bị cáo kháng cáo thay thân chủ.
Đối với bị cáo Thuyết và bị cáo Vinh, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm cho rằng, hai người này từ Mỹ có gửi đơn kháng cáo nhưng đơn này không có xác nhận của cơ quan thẩm quyền, các bị cáo cũng chưa trình diện nên không có căn cứ chứng minh thân nhân của hai bị cáo này nên không đủ căn cứ xác định đơn kháng cáo là của họ.
Từ những nhận định trên, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của các luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo vắng mặt, không chấp nhận đơn kháng cáo của bị cáo Thuyết và Vinh.
Hội đồng xét xử cũng mời các luật sư của những bị cáo này ra về và tiếp tục tiến hành xét xử đối với bị cáo Phan Huy Anh Vũ (nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, nguyên Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai), Hoàng Thị Thúy Nga (nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty AIC) cùng 4 bị cáo tự có đơn kháng cáo khác.