Phòng ngừa tội phạm trộm cắp tài sản trong dịp lễ 30/4 và 1/5
Bắt "đạo chích" trộm cắp tài sản tại các cơ quan, công sở Bắt nhóm đối tượng chuyên trộm cắp xe máy tại Hà Nội |
Thủ đoạn tinh vi
Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay, người dân được nghỉ lễ 5 ngày. Đó là khoảng thời gian lý tưởng để kích cầu du lịch. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm các loại tội phạm trộm cắp hoạt động mạnh. Theo khuyến cáo của cơ quan Công an, những khu vực tội phạm trộm cắp hoạt động nhiều nhất là các khu nhà trọ công nhân, khu chung cư cũ, khu tái định cư, khu dân cư trong các ngõ nhỏ...
Thực tế đã có rất nhiều bài học, chủ nhà sau kỳ nghỉ, đi du lịch trở về, tài sản đã bị bọn trộm đột nhập khoắng sạch. Thậm chí có những trường hợp bọn trộm cắp biết chủ nhà đi chơi xa, đã đưa cả xe tải đến giả dạng dịch vụ chuyển nhà, khuân hết đồ đạc có giá trị.
Hoặc các đối tượng tội phạm thường giả dạng người đi phát tờ rơi, đến tận cổng, cửa nhà dắt tờ rơi vào khe ổ khóa. Đêm, chúng quay lại dò xét, nếu thấy tờ rơi vẫn nằm yên trên khe ổ khóa nghĩa là “tín hiệu” cho biết, chủ nhà đi vắng. Chúng sẽ thực hiện hành vi đột nhập, trộm cắp tài sản. Tín hiệu trên ổ khóa chỉ là một trong rất nhiều thủ đoạn của bọn tội phạm trộm cắp hiện nay. Vào dịp nghỉ lễ, rất nhiều gia đình có nhu cầu đi du lịch. Đây là cơ hội thuận lợi để tội phạm ra tay, đột nhập nhà cửa, trộm cắp tài sản.
Công an Hà Nội đã bắt giữ nhiều đối tượng trộm cắp tài sản. (Ảnh minh họa: CAHN) |
Thời gian qua, Công an các địa phương trên địa bàn Hà Nội đã tăng cường tuần tra, đẩy mạnh công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm trộm cắp tài sản. Đơn cử như, ngày 26/2, Công an phường Trung Liệt, quận Đống Đa, tiếp nhận đơn trình báo của anh M ở phố Thái Hà về việc bị mất trộm 3 chiếc máy tính, 3 máy ảnh, 5 ống kính máy ảnh. Tổng trị giá khoảng 80 triệu đồng.
Ngay khi nhận được tin báo, Công an quận Đống Đa đã khẩn trương điều tra và bắt giữ đối tượng trộm cắp là Nguyễn Văn Linh (sinh năm 1993; trú tại huyện Lương Sơn, Hòa Bình).
Tại cơ quan Công an, Linh khai nhận khoảng 2h30 ngày 26/2, gã đi lang thang trên địa bàn quận Đống Đa tìm nhà dân sơ hở để trộm cắp tài sản. Khi đến ngõ 133 Thái Hà, Linh phát hiện tầng 2 một ngôi nhà không đóng cửa nên trèo vào lấy trộm số tài sản trên.
Ngoài ra, đối tượng còn khai nhận trước đó trộm cắp 1 chiếc máy tính và 1 điện thoại trên địa bàn phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm cùng với thủ đoạn tương tự...
Theo Công an thành phố Hà Nội, năm 2022, tổng số vụ phạm pháp hình sự xảy ra trên địa bàn là 3.259 vụ, điều tra khám phá 2.759 vụ, bắt 4.964 đối tượng. Trong đó, trộm cắp tài sản 1.285 vụ, điều tra khám phá 1.005 vụ, bắt 1.370 đối tượng. So với năm 2021, số vụ trộm cắp giảm 29 vụ. Trước khi gây án, các đối tượng thường di chuyển quanh khu vực để nắm tình hình cũng như thời gian sinh hoạt, nơi ra vào, thiết bị báo động, nơi gần camera...
Chủ động phòng ngừa
Dịp nghỉ lễ, tại các địa điểm vui chơi công cộng tập trung đông người qua lại, tổ chức nhiều hoạt động, thường có những sơ hở, thiếu sót, mất cảnh giác về phía người dân và cơ quan, tổ chức trong việc bảo vệ tài sản là điều kiện thuận lợi để tội phạm trộm cắp tài sản lợi dụng hoạt động.
Cùng với đó là người dân với tâm lý thoải mái thường mang theo nhiều tài sản có giá trị, đeo nhiều trang sức, sử dụng điện thoại di động để chụp ảnh, để phương tiện đi lại ở những khu vực không có người trông giữ, đây chính là thời điểm tội phạm trộm cắp tài sản gia tăng hoạt động.
Để chủ động đề phòng kẻ gian đột nhập, trộm cắp tài sản, Công an thành phố hà Nội khuyến cáo người dân: Khi gia đình tổ chức đi chơi lễ, cần khóa cửa cẩn thận, kiểm tra kỹ tất cả các khu vực. Trộm có thể đột nhập vào nhà bằng nhiều cách, nhiều con đường khác nhau. Vì vậy, trước khi đi vắng, ngoài việc khóa cửa nhiều lớp, gia chủ nên kiểm tra kỹ mọi ngóc ngách. Cửa lớn, cửa sổ, cửa hành lang, cửa ban công, cửa thông gió… đều cần được rà soát, kiểm tra để gia cố chắc chắn.
Trước tình hình trộm cắp có diễn biến phức tạp, Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân khi phát hiện hoặc nghi ngờ có hành vi trộm cắp cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc số điện thoại 113. (Ảnh minh họa: CAHN) |
Khi đi chơi cần bật đèn chiếu sáng. Gia chủ nên nhờ người thân, bạn bè hoặc hàng xóm thân thiết trông nhà hoặc ít nhất là quan sát, kiểm tra và thông báo khi có điều bất thường xảy ra.
Các đối tượng trộm cắp thường xác định có người ra vào hoặc ở nhà hay không thông qua việc bật đèn vào ban đêm hoặc đặt mẫu quảng cáo, rao vặt ở cổng, vị trí mở khóa... Do đó, khi các gia đình đi vắng, nên nhờ người thân, hàng xóm bật đèn chiếu sáng và quan sát xem có tờ rơi trước nhà hay không. Nếu có thì hãy lấy xuống, thu lại. Trong trường hợp nhà có hệ thống chiếu sáng tự động, thì hãy hẹn giờ bật đèn.
Những gia đình có điều kiện thì nên lắp camera, khóa chống trộm thông minh và dùng ổ khóa bên trong. Việc lắp camera và khóa chống trộm thông minh có thể giúp gia chủ theo dõi tình hình ở nhà mọi lúc, mọi nơi. Đồng thời nên kiểm tra thường xuyên, nếu xảy ra vấn đề, chủ nhà có thể phát hiện kịp thời, báo người thân, hàng xóm, Công an…
Ngoài ra, người dân còn có thể áp dụng một số biện pháp đánh động, đánh vào tâm lý của kẻ gian như khóa cửa từ bên trong (như có người ở nhà) hay đặt biển “nhà có chó dữ”, “khu vực có camera quan sát”...
Đặc biệt, người dân không nên chia sẻ thông tin cá nhân, hành trình lên mạng xã hội. Trong nhiều trường hợp, kẻ trộm chính là người quen của gia chủ. Do đó, việc check-in, chia sẻ hành trình… lên mạng xã hội, vô hình trung lại giúp kẻ gian nắm được kế hoạch đi lại của gia đình mình để lên kế hoạch trộm cắp của chúng.
Khi phát hiện đối tượng có biểu hiện nghi vấn, đề nghị nhân dân thông báo ngay cho Công an để được hỗ trợ.