Phiên toà trực tuyến giúp giảm chi phí và thời gian tố tụng
Từ ngày 1-9: Dùng điện thoại trong phiên tòa có thể bị phạt đến 500.000 đồng Xem xét, xử lý kỷ luật nguyên Giám đốc CDC Quảng Ninh Xét xử cựu Đại tá Phùng Anh Lê : Bị cáo đề nghị đổi kiểm sát viên |
Vừa qua, Toà án nhân dân quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã mở phiên toà xét xử sơ thẩm với 2 vụ án “Tàng trữ trái phép chất ma tuý” và “Mua bán trái phép chất ma tuý” dưới hình thức trực tuyến.
Được biết, đây là 2 phiên tòa hình sự đầu tiên Toà án nhân dân quận Hoàn Kiếm tiến hành xét xử trực tuyến. Phiên tòa trực tuyến này gồm 2 điểm cầu, điểm cầu trung tâm được đặt tại phòng xét xử trực tuyến (trụ sở Toà án nhân dân thành phố Hà Nội, nơi có Hội đồng xét xử, đại diện Viện Kiểm sát) và điểm cầu thành phần đặt tại Trại giam số 1, thành phố Hà Nội (nơi giam giữ các bị cáo).
Thẩm phán tuyên án tại phiên toà trực tuyến. |
Là người tham gia điều hành phiên tòa xét xử trực tuyến Thẩm phán Nguyễn Thị Lệ Hằng cho biết, việc xét xử trực tuyến có thể đảm bảo được các nguyên tắc cơ bản của tố tụng, trong đó nguyên tắc tranh tụng là nguyên tắc được quan tâm nhất trong giai đoạn hiện nay.
Mặc dù những người tiến hành tố tụng không tiếp xúc trực tiếp với bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác nhưng cũng không ảnh hưởng đến chất lượng tranh luận.
Đặc biệt, thẩm phán Lệ Hằng cho rằng khi xét xử trực tuyến, giọng nói được thu, phát qua các thiết bị, có thể điều chỉnh nên ngữ điệu và giọng nói của những người tham gia tố tụng, người tiến hành tố tụng cũng rõ ràng hơn, dễ nhận biết được cảm xúc trong những câu trả lời, đối đáp. Từ đó, Hội đồng xét xử có thể nắm bắt được diễn biến tâm lý của bị cáo, đương sự và người tham gia tố tụng khác.
Điểm cầu thành phần được đặt tại Trại tạm giam số 1 Công an thành phố Hà Nội. |
Cùng chỉ ra ưu thế của phiên toà xét xử trực tuyến, thẩm phán Phạm Đồng Trưng ngận định, việc xét xử trực tuyến phù hợp với các vụ án hình sự, dân sự, hành chính xét xử theo thủ tục thông thường, có tình tiết, tính chất đơn giản, tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã rõ ràng.
Điều này vẫn đảm bảo tính công khai, đảm bảo các trình tự thủ tục tố tụng, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo, bị hại, những người tham gia tố tụng khác.
“Xét xử trực tuyến giúp giảm các chi phí cho đương sự, cho Nhà nước, cụ thể đối với các vụ án hình sự sẽ giảm các thủ tục trích xuất, dẫn giải bị cáo từ trại giam đến toà án, từ đó giảm thời gian tố tụng”, Thẩm phán Phạm Đồng Trưng nói.
Đối với vụ án hành chính, thẩm phán Phạm Đồng Trưng nhận định, việc tham gia tố tụng của người bị kiện (người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính Nhà nước) sẽ thuận lợi hơn vì họ có thể tham gia phiên tòa tại nơi có trụ sở của cơ quan hành chính Nhà nước, có bộ phận giúp việc, thuận lợi cho việc cung cấp các tài liệu chứng cứ tại phiên tòa.
Thông qua việc xét xử trực tuyến, những người tham gia phiên tòa truy cập, khai thác tài liệu xét xử trực tuyến được lưu trữ trên không gian mạng, thực hiện việc kiểm tra, đánh giá chất lượng xét xử. Tòa án có thể quản lý hồ sơ, tài liệu xét xử trực tuyến theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến còn đảm bảo tính khách quan trong quá trình xét xử, đối với những vụ án có người làm chứng việc họ đối diện với bị cáo sẽ làm họ phân tâm hoặc khai báo không đầy đủ. Khi xét xử trực tuyến, họ ở một điểm cầu thành phần, không trực tiếp tiếp xúc với bị cáo do đó họ vô tư, khác quan khi khai báo.
Đồng thời, thẩm phán Phạm Đồng Trưng cũng cho rằng, việc xét xử trực tuyến nhằm nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin của các cán bộ Tòa án, thuận lợi cho việc hòa nhập, tăng tính thích ứng với thời đại công nghệ hiện đại của thế giới