Nâng cao ý thức tự giác phòng tránh lừa đảo trực tuyến
Dấu hiệu nhận biết thủ đoạn lừa đảo đặt tour du lịch giá rẻ Mất 850 triệu đồng vì "sập bẫy" trên sàn thương mại điện tử Những việc cần làm để tránh thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản |
Hiện nay chuyển đổi số đang được thúc đẩy ở mọi lĩnh vực, ngành nghề tại Việt Nam. Nhờ có chuyển đổi số, người dân, doanh nghiệp được hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn. Song bên cạnh đó, chuyển đổi số cũng mang lại nhiều rủi ro, mất an toàn thông tin. Việc các hoạt động trong đời sống dần được chuyển dịch lên không gian mạng đã và đang tạo môi trường thuận lợi để tội phạm mạng, trong đó có các nhóm lừa đảo hoành hành.
Một số hình thức lừa đảo trên không gian mạng. |
Thời gian vừa qua, các vụ lừa đảo trực tuyến đã và đang diễn biến phức tạp trên môi trường số. Theo ghi nhận của Cục An toàn thông tin trong 6 tháng đầu năm, tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái; tăng 37,82 % so với 6 tháng cuối năm 2022.
Có 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam, nhắm vào các nhóm đối tượng: Người cao tuổi với 15 hình thức lừa đảo thường xuyên; trẻ em có 3 hình thức dẫn dụ trên mạng; sinh viên/thanh niên có 13 hình thức; các đối tượng công nhân/người lao động, nhân viên văn phòng bị dẫn dụ với 19 hình thức lừa đảo…
Lừa tuyển cộng tác viên “việc nhẹ lương cao”, giả mạo các trang sàn thương mại điện tử như Tiki, Shopee, Lazada và các thương hiệu lớn để chiếm đoạt tài sản của các nạn nhân xảy ra ngày càng nhiều. Khoản tiền các đối tượng lừa chiếm đoạt được từ hình thức này thường từ vài triệu đến vài trăm triệu đồng.
Cùng với đó, lừa đảo cuộc gọi video Deepfake ngày càng phổ biến. Các đối tượng sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra những video hoặc hình ảnh giả, sao chép chân dung để tạo ra các đoạn video giả người thân, bạn bè để thực hiện các cuộc gọi lừa đảo trực tuyến. Phần lớn hình thức lừa đảo trực tuyến này nhắm tới việc lừa đảo tài chính…
Tương tự, hình thức lừa đảo giả danh các công ty tài chính, ngân hàng thu thập thông tin xuất hiện nhiều. Thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng là đánh vào tâm lý của những người đang cần tiền kinh doanh, tiêu xài, muốn được vay với số tiền lớn nhưng lại gặp khó do dính nợ xấu hoặc không đủ điều kiện vay vốn tại các tổ chức tài chính.
Ngoài những thủ đoạn nêu trên, tội phạm còn giả danh cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án... gọi điện thoại thông báo người dân có liên quan đến các vụ án đang điều tra, mua bán ma túy, rửa tiền..., gửi lệnh bắt giữ hay tài liệu liên quan khác qua mạng xã hội để đe dọa, yêu cầu chuyển tiền đến các tài khoản chỉ định hoặc tài khoản mới giả mạo cơ quan, nhằm đánh cắp thông tin tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt.
Một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng lừa đảo trực tuyến được xác định đến từ nhận thức của người sử dụng. Bên cạnh các giải pháp kỹ thuật, việc tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức nhằm trang bị cho mỗi cá nhân những kiến thức và kỹ năng cơ bản để bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng là yếu tố then chốt giúp tạo dựng một không gian mạng Việt Nam an toàn, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội số một cách bền vững.
Chỉ tính riêng trong tuần thứ 3 của tháng 6/2023, ghi nhận trên địa bàn thành phố Hà Nội có ít nhất 3 vụ việc người dân đã tới ngân hàng làm thủ tục chuyển khoản gần 300 triệu đến hơn 3 tỷ đồng nhưng may mắn được nhân viên ngân hàng và lực lượng Công an phát hiện, ngăn chặn.
Mặc dù số vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản cơ quan chức năng đã kịp thời ngăn chặn còn khiêm tốn so với thực trạng diễn biến phức tạp của tội phạm lừa đảo công nghệ cao nhưng đã cho thấy, biện pháp tuyên truyền càng bền bỉ, đi vào chiều sâu, sẽ phát huy hiệu quả, đặc biệt mỗi người dân cần tự nâng cao ý thức cảnh giác.
Theo Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu - Cục Truyền thông Công an nhân dân (Bộ Công an), người sử dụng điện thoại di động, mạng xã hội… nếu thiếu kỹ năng tự bảo vệ, hạn chế trong việc cập nhật tin tức, không quan tâm đến thông tin cảnh báo từ cơ quan chức năng, rất dễ trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo. Để tự bảo vệ, theo Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu, người dân và đặc biệt những người có tuổi cần nâng cao cảnh giác trong bối cảnh tình hình tội phạm diễn biến phức tạp như hiện nay.
Mọi người nên thường xuyên cập nhật tin tức thời sự, tình hình an ninh trật tự, đọc các khuyến cáo từ cơ quan chức năng đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, mọi người cần có thói quen kiểm chứng thông tin trước khi hành động.
Trước bất kỳ yêu cầu nào qua điện thoại, người dân cần kiểm chứng, thông qua tra cứu thông tin liên quan trên mạng, nói chuyện với người thân, kiểm tra qua đường dây nóng; người dân không chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng hoặc cung cấp cho người lạ để tránh trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo.