Kỳ vọng vào nỗ lực cải cách của cơ quan thuế, hải quan
Tại “Hội nghị đối thoại về chính sách, thủ tục hành chính thuế, hải quan năm 2022”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan luôn nhận được sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp. Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và các đơn vị của Bộ Tài chính luôn quan tâm, tạo điều kiện để hỗ trợ doanh nghiệp, xem đây là một phần quan trọng trong việc đưa chính sách vào cuộc sống.
Trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã chủ động theo dõi sát diễn biến thực tế để nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền các giải pháp về gia hạn các khoản thuế để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đề xuất, tham mưu với Chính phủ trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp về gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất.
Dự kiến thực hiện các giải pháp này trong năm 2022 sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân với giá trị tiền thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí là khoảng khoảng 233 nghìn tỷ đồng, trong đó số tiền thuế, phí, lệ phí được miễn, giảm khoảng 98 nghìn tỷ đồng; số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 135 nghìn tỷ đồng.
Hệ thống hóa đơn điện tử đã chính thức áp dụng trên phạm vi toàn quốc từ ngày 1/7/2022 (Ảnh minh họa: TS24) |
Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong năm 2022 nhưng nhờ sự nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp và sự triển khai có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ của các cơ quan, thu ngân sách nhà nước đã đạt những kết quả hết sức tích cực. Tổng thu thuế, phí trong nước 10 tháng năm 2022 đạt 107,2% so với cùng kỳ năm 2021. Nguồn thu từ thuế, phí đã ngày càng bền vững và đảm bảo chi cho đầu tư phát triển, duy trì bộ máy, đảm bảo an sinh xã hội và an ninh quốc phòng.
Hiện nay, Bộ Tài chính đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia như: hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hoá tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Trong lĩnh vực thuế, tiếp tục mở rộng phạm vi triển khai hệ thống khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế theo phương thức điện tử: Hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% Chi cục Thuế trực thuộc với 99,9% doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử; 98,9% doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử; 99% doanh nghiệp tham gia hoàn thuế điện tử.
Đặc biệt, hệ thống hóa đơn điện tử đã chính thức áp dụng trên phạm vi toàn quốc từ ngày 1/7/2022 với toàn bộ các tổ chức, doanh nghiệp đang hoạt động, có sử dụng hóa đơn chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử và toàn bộ hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai đã đăng ký, chuyển đổi sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định; triển khai Cổng thông tin điện tử dành cho Nhà cung cấp nước ngoài từ ngày 21/3/2022 để tạo thuận lợi cho việc khai, nộp thuế và quản lý thuế cho nhà cung cấp nước ngoài; ứng dụng Etax Mobile,...
Trong lĩnh vực hải quan, tiếp tục đẩy mạnh triển khai cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN; quản lý, giám sát và đảm bảo vận hành Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS và các hệ thống công nghệ thông tin tập trung, an toàn bảo mật với đường truyền thông suốt; đẩy mạnh phát triển và triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin tạo nhiều thuận lợi cho các hoạt động xuất nhập khẩu, hướng tới xây dựng mô hình hải quan thông minh. Qua đó, đã giúp giảm thiểu giấy tờ, rút ngắn thời gian, giảm chi phí thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, thay đổi căn bản phương thức quản lý kiểm tra chuyên ngành, tiến tới hội nhập quốc tế và phát triển các dịch vụ hải quan số mạnh mẽ.
Theo ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, trong thời gian qua, các nỗ lực cải cách của Bộ Tài chính đã mang lại những kết quả quan trọng và tác động tích cực đến môi trường hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp. Với nỗ lực và phương châm hành động quyết liệt để thực hiện cải tiến thủ tục hành chính thuế, hải quan, việc thường xuyên đối thoại, lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp đã đem lại những hiệu quả tích cực cho cộng đồng doanh nghiệp.
Dưới góc độ doanh nghiệp, đại diện Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội cũng cho rằng, thời gian qua, cơ quan Thuế đã thực hiện chuyển đổi số, hỗ trợ nhiều cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng bày tỏ mong muốn cơ quan thuế nghiên cứu, xây dựng công cụ để doanh nghiệp có thể chủ động truy cập, xác định xem hoá đơn của doanh nghiệp có đảm bảo quy định không, có vi phạm về nghĩa vụ với nhà nước không. Hiện tại, doanh nghiệp vẫn đang phải truy cập vào website của Tổng cục Thuế để tìm hiểu thông tin. Tuy nhiên, việc truy cập này nhiều khi không kịp thời, có khi bị nghẽn, trong khi đó, số lượng hoá đơn của doanh nghiệp rất lớn, nếu sai sót một vài cái cũng có thể ảnh hưởng đến xếp loại doanh nghiệp.
Ngoài ra, vấn đề kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp cho người lao động cũng đang gặp khó khăn. Hiện tại, doanh nghiệp này có hơn 2.000 lao động, vẫn thực hiện kê khai thay thuế thu nhập cá nhân theo uỷ quyền; nhiều lao động có thu nhập từ 2 nơi trở lên nhưng không khai báo đầy đủ với doanh nghiệp; nhân lực của công ty có hạn, không thể xác minh hết được nội dung này, khi cơ quan thuế kiểm tra phát hiện ra sai sót và doanh nghiệp bị phạt. Do đó, doanh nghiệp đề nghị cơ quan Thuế nghiên cứu về nội dung này để có quy định phù hợp.
Bảo Thoa