Khẩn trương triển khai tiền hỗ trợ thuê nhà
Người lao động có thể nộp trực tuyến hồ sơ hỗ trợ tiền thuê nhà Tích cực giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động |
Chủ trương nhân văn, đúng đắn
Thực hiện Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ Quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, ngày 27/4/2022, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Quyết định 1426/QĐ-UBND về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Lãnh đạo LĐLĐ thành phố Hà Nội và LĐLĐ huyện Đông Anh tới nhà trọ của công nhân, vận động chủ nhà giảm giá thuê nhà cho người lao động. |
Khi biết thông tin sẽ được hỗ trợ tiền thuê nhà mức 500 ngàn đồng và 1 triệu đồng, tùy theo đối tượng và đáp ứng các điều kiện, nhiều công nhân lao động vô cùng phấn khởi. Bởi với hầu hết công nhân lao động ngoại tỉnh, tiền thuê nhà là một trong những khoản chi phí lớn. Đặc biệt, hơn hai năm nay, do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhiều người bị giảm việc, ngừng việc, mất việc làm dẫn đến thu nhập bị giảm sút; trong khi phải chi phí cho tiền phòng, chống dịch, cộng với giá sinh hoạt tăng khiến cuộc sống càng thêm khốn khó.
Anh Đoàn Anh Dũng (thuê trọ tại chung cư CT1A, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) cho biết, tiền thuê nhà là khoản tiền lớn thứ 2 mà vợ chồng anh phải trang trải hằng tháng. Khoản tiền lớn nhất là tiền sinh hoạt cho cả gia đình (khoảng 7-8 triệu đồng/tháng), tiền thuê nhà là 1,5 triệu đồng/tháng, chưa kể điện nước, tiền dịch vụ. Số tiền này còn nhiều hơn khoản tiền để gửi trông con. Bởi thế, khi biết thông tin về chính sách hỗ trợ tiền thuê trọ, anh Dũng không giấu được vui mừng. “Nếu được hỗ trợ tiền thuê nhà kịp thời thì tốt quá” - anh Dũng phấn khởi nói.
Không chỉ người lao động, nhiều chủ nhà trọ cũng phấn khởi, sẵn sàng ủng hộ chủ trương này, chẳng hạn như bà Nguyễn Thị Thanh ở thôn Cổ Điển, xã Hải Bối, huyện Đông Anh. Bà Thanh cho biết, nhà bà có hơn 30 phòng trọ, cho khoảng 100 công nhân thuê với giá dao động từ 600 ngàn đến 1,1 triệu đồng/ tháng tùy từng diện tích.
“Bình thường, công nhân xa nhà, phải thuê trọ cuộc sống đã vô cùng khó khăn, họ thường xuyên phải chắt chiu, tằn tiện trong sinh hoạt. Thời gian qua dịch bệnh, việc ít, thu nhập giảm, rồi giá cả tăng cao khiến đời sống của họ càng khó khăn hơn. Giờ Chính phủ có chính sách hỗ trợ như thế này, thật là đáng quý.Tôi luôn sẵn sàng tạo điều kiện giúp công nhân hoàn thiện giấy tờ, hồ sơ hưởng chính sách này”- bà Thanh cho biết.
Cũng theo bà Thanh, hiện nay đã có nhiều công nhân thuê trọ đề nghị bà ký giấy xác nhận (giấy do công ty phát) để được nhận hỗ trợ. “Tôi cung cấp số căn cước công dân của mình, sau đó ký vào giấy. Ngoài ra, tôi hỗ trợ công nhân xin xác nhận giấy tờ tạm trú cho họ trong thời gian bị giãn cách” - bà Thanh cho hay.
Là Chủ tịch Công đoàn đại diện cho công nhân của Công ty May liên doanh Plummy, bà Hà Thị Phương Anh nhận định, chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà của Chính phủ và thành phố Hà Nội là rất thiết thực, kịp thời trong thời điểm cả nước đang phục hồi phát triển sản xuất, kinh doanh cũng như thu hút người lao động quay trở lại thị trường lao động. “Công ty Plummy có những lao động ngoại tỉnh đến từ Hà Giang và Sơn La, phải thuê nhà trọ. Do hoàn cảnh khó khăn, đợt Tết Nguyên đán 2022, có một số người không về quê do tình hình dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp, chi phí đi lại tốn kém.
Với những trường hợp này, Công đoàn công ty đã hỗ trợ tiền và hiện vật để họ ở lại nhà trọ ăn Tết. Bây giờ, Chính phủ có chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà, các công nhân vui lắm, giúp họ yên tâm làm việc có hiệu quả hơn; về phía doanh nghiệp giữ chân được lao động. Tôi sẽ tìm hiểu thêm thông tin về những trường hợp được hỗ trợ để tuyên truyền chính sách nhân văn này tới người lao động”- bà Phương Anh cho hay.
Triển khai tích cực, khẩn trương
Để công nhân lao động kịp thời tiếp cận chính sách nhân văn, thiết thực, ngày 18/4/2022, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội có hướng dẫn triển khai, giám sát thực hiện Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg. Theo đó, LĐLĐ thành phố Hà Nội yêu cầu LĐLĐ các quận, huyện, thị xã, Công đoàn ngành, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, Công đoàn các khu Công nghiệp và chế xuất Hà Nội phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH), UBND các quận, huyện triển khai, thực hiện tốt Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg đảm bảo kịp thời, công khai, minh bạch, đúng đối tượng.
Về phía Công đoàn cơ sở cần tuyên truyền, hướng dẫn, phối hợp với người sử dụng lao động rà soát, tổng hợp danh sách, hoàn thiện các hồ sơ đề nghị hỗ trợ người lao động theo quy định, đồng thời, tuyên truyền, niêm yết công khai tại nơi làm việc, mạng thông tin nội bộ, phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, truyền thanh, phát hành tờ gấp… về chính sách hỗ trợ của Nhà nước, để người lao động và người sử dụng lao động biết, triển khai thực hiện.
Đối với các cơ quan chức năng, ngay sau khi Chủ tịch UBND Thành phố ban hành Quyết định 1426/QĐ-UBND, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Hà Nội đã kịp thời hướng dẫn phòng LĐ-TB&XH các quận, huyện triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động một cách nhanh chóng, kịp thời. Các phòng LĐ-TB&XH đã xây dựng kế hoạch thực hiện Quyết định 1426/QĐ-UBND, quyết định thành lập tổ thẩm định và trình lãnh đạo UBND quận, huyện, thị xã ký ban hành.
Trưởng phòng LĐ-TB&XH quận Hà Đông Đỗ Minh Loan cho biết: “Khi lãnh đạo UBND quận ban hành kế hoạch, chúng tôi sẽ chuyển ngay tới các đơn vị liên quan để kịp thời tuyên truyền tới người lao động. Chúng tôi đã gửi văn bản đến các doanh nghiệp, chủ kinh doanh, hợp tác xã đang tham gia BHXH ở quận đề nghị thống kê số lượng người lao động đang thuê trọ đủ điều kiện hưởng chính sách để dự tính kinh phí.
Trong quá trình nghiên cứu Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg và Quyết định 1426/QĐ-UBND, các đơn vị có băn khoăn với quy định người lao động chỉ cần điền các thông tin vào bản Đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà (theo Mẫu số 01) và có xác nhận của chủ cơ sở cho thuê, cho trọ. Hay trường hợp người lao động làm việc ở công ty ở quận này nhưng thuê trọ ở nơi khác, sẽ dẫn đến khó xác minh đối với những đối tượng mà tổ thẩm định cảm thấy băn khoăn”.
Với những trường hợp này, để đảm bảo chặt chẽ và không trục lợi, Trưởng phòng LĐ-TB&XH Hà Đông Đỗ Minh Loan cho rằng: “Chúng tôi sẽ đề nghị Công an quận chỉ đạo công an các phường rà soát và lập danh sách những chủ nhà có phòng trọ và những người lao động thuê. Tổ thẩm định sẽ căn cứ danh sách và hồ sơ chủ sử dụng lao động gửi đến để xem xét phê duyệt; đối với những trường hợp người lao động hay chủ nhà trọ không đúng với danh sách thì công an kiểm tra lại...
Với huyện Thanh Trì có khoảng 3.500 doanh nghiệp đóng trên địa bàn, hiện nay cũng đang khẩn trương triển khai thực hiện Quyết định 1426/QĐ-UBND. Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH Thanh Trì Hoàng Văn Huệ cho biết: “Chúng tôi sẽ phối hợp với cơ quan BHXH, Ban Quản lý khu công nghiệp, các doanh nghiệp trong công tác tuyên truyền để người lao động tự giác, trung thực. Nếu trường hợp nào cảm thấy băn khoăn chúng tôi sẽ nhờ công an xác minh. Trường hợp có vướng mắc gì, chúng tôi sẽ kiến nghị với Sở LĐ-TB&XH Hà Nội tháo gỡ”./.
Theo Tú Anh/laodongthudo.vn
https://laodongthudo.vn/khan-truong-trien-khai-tien-ho-tro-thue-nha-139683.html