Hà Nội: Tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm về sở hữu trí tuệ, vệ sinh an toàn thực phẩm
Khởi tố hình sự vi phạm quy định về an toàn thực phẩm tại Trường iSchool Nha Trang Hà Nội: Tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp cuối năm |
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Hà Nội, năm 2022, Thành phố chỉ đạo các đơn vị kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi lợi dụng chính sách ưu đãi, kích cầu, khuyến khích tiêu dùng hàng Việt Nam của Nhà nước để trục lợi, kinh doanh, tiêu thu thụ hàng lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là hàng hóa nhập lậu giá rẻ từ nước ngoài để gắn nhãn mác của các nhà sản xuất trong nước có uy tín nhằm thu lợi bất chính, ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Song song với đó, Ủy ban nhân dân Thành phố đã chỉ đạo đẩy mạnh sử dụng mã hình QR để truy xuất nguồn gốc trực tuyến các sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên địa bàn Thành phố, hướng dẫn các doanh nghiệp về truy xuất nguồn gốc trực tuyến sử dụng mã hình QR in trên tem chống giả theo “Quy trình xác thực chống hàng giả”.
Sản phẩm ổi lê của Hợp tác xã Nông nghiệp Khánh Phong (huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội) được dán tem QR Code để chứng minh nguồn gốc của sản phẩm, qua đó giúp khách hàng yên tâm khi sử dụng. Ảnh: Lương Hằng. |
Thực hiện nhiệm vụ của ngành, Sở Công Thương Hà Nội đã thực hiện thanh tra 7 doanh nghiệp trong lĩnh vực an toàn thực phẩm theo kế hoạch, kiểm tra đột xuất 5 doanh nghiệp trong lĩnh vực xăng dầu, qua đó, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Qua công tác thanh, kiểm tra đã kết hợp tuyên truyền, phổ biến đến các tổ chức, cá nhân về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, góp phần nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm sản xuất kinh doanh trên địa bàn Thành phố.
Cục Quản lý thị trường chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa lưu thông trên địa bàn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi tiêu thu thụ hàng lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm...
Theo đó, năm 2022, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra 5.383 vụ, xử lý 4.741 vụ vi phạm, qua đó: Phạt hành chính 55 tỷ 162 triệu đồng, trị giá hàng tịch thu 23 tỷ 708 triệu đồng, trị giá hàng tiêu hủy, buộc loại bỏ yếu tố vi phạm 47 tỷ 976 triệu đồng.
Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Thành phố chủ trì 2 đoàn kiểm tra liên ngành Thành phố về an toàn thực phẩm trong các dịp trước trong và sau Tết dương lịch, Tết Nguyên đán và Lễ hội xuân năm 2022 và Đoàn kiểm tra liên ngành Thành phố trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, kiểm tra công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm tại 16 quận, huyện. Qua kiểm tra, đoàn kiểm tra cũng đôn đốc, nhắc nhở các địa phương còn chưa quyết liệt, đồng thời tổ chức kiểm tra thực tế việc tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn các quận, huyện được kiểm tra.
Ngành cũng chỉ đạo các đơn vị thuộc Sở tăng cường công tác thanh kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, yêu cầu khắc phục các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho các cơ sở phát triển, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Cụ thể, năm 2022, các đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Thành phố đã tiến hành kiểm tra định kỳ 121 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản trên địa bàn Thành phố; tổ chức lấy 1.226 mẫu sản phẩm nông lâm thủy sản nhằm giám sát các chỉ tiêu an toàn thực phẩm tại các vùng sản xuất chuyên canh tập trung trên địa bàn Thành phố và các sản phẩm từ các tỉnh, thành phố, sản phẩm nhập khẩu lưu thông trên địa bàn; tổ chức thanh tra, kiểm tra 297 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản...
Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” các quận, huyện, thị xã cùng các đơn vị thành viên đã tuyên truyền, giám sát các cơ sở kinh doanh vật tư y tế liên quan đến công tác phòng, chống dịch, hạn chế việc găm hàng, tăng giá để trục lợi; tuyên truyền, kiểm tra, giám sát việc bình ổn giá thị trường tránh tình trạng thu gom hàng hóa gây bất ổn trong thời gian xảy ra dịch bệnh.