Để lễ hội trở thành nét văn hoá đặc sắc, hấp dẫn du khách gần xa
Tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội Lồng ghép tuyên truyền pháp luật với các lễ hội, hội thi Sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn trong các sự kiện, lễ hội tập trung đông người |
Với hơn 1.200 lễ hội lớn nhỏ, Hà Nội là địa phương có nhiều lễ hội nhất cả nước. Trong đó, phần lớn các lễ hội diễn ra vào mùa xuân, tạo nét văn hóa đặc sắc, hấp dẫn, thu hút du khách gần xa.
Hai năm qua, thực hiện Chỉ thị số 35 của Thủ tướng Chính phủ ngày 31/12/2021, các lễ hội trên địa bàn Thành phố phải tạm dừng việc tổ chức do tác động của đại dịch Covid-19.
Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các sự kiện văn hóa, thể thao, lễ hội truyền thống trên địa bàn Thành phố tiếp tục được tổ chức, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, kịp thời động viên các tầng lớp nhân dân thi đua lao động, sản xuất, đồng thời góp phần giáo dục truyền thống, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.
Đoàn kiểm tra của Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội kiểm tra, giám sát việc tổ chức lễ hội tại Chùa Hương. |
Các hoạt động lễ hội truyền thống đã được tổ chức tốt hơn, theo hướng trang trọng, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, thể hiện đạo lý "uống nước, nhớ nguồn", xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị - xã hội của Thủ đô và từng địa phương.
Với vai trò là cơ quan quản lý, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã ban hành các kế hoạch, văn bản triển khai các hoạt động và hướng dẫn các quận, huyện, thị xã trong việc triển khai, thực hiện công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2023.
Trong đó nêu rõ yêu cầu, mục đích phải thực hiện nghiêm Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội, các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, của Thành phố về công tác quản lý, tổ chức lễ hội trên địa bàn Thủ đô.
Đảm bảo việc quản lý và tổ chức lễ hội đúng quy định của pháp luật; phù hợp với thuần phong mỹ tục, các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân; bảo tồn phát huy các giá trị di sản văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và du lịch trên địa bàn Thành phố.
Người dân đi trẩy hội Chùa Hương. |
Do đó, yêu cầu việc tổ chức lễ hội phải trang trọng, tiết kiệm, thiết thực, hiệu quả. Không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu, các hoạt động có nguy cơ gây cháy, nổ, làm mất an ninh, trật tự và đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Tổ chức lễ hội phù hợp với quy mô, điều kiện thực tế của địa phương, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc của địa phương, của dân tộc.
Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân khi tham gia lễ hội, nghiêm túc thực hiện các quy định về thực hiện nếp sống văn minh, tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của người tham gia lễ hội với ý thức tôn trọng, bảo vệ và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, giá trị của di tích. Đặc biệt, có phương án để triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Trung ương và Thành phố; đồng thời thực hiện nghiêm quy trình phòng chống dịch Covid-19 trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch theo các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Sở Văn hóa và Thể thao cũng lưu ý về việc xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội. Theo đó, hằng năm, kiện toàn Ban Quản lý di tích, Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức, thành lập các Tiểu ban, phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể. Các lễ hội được tổ chức định kỳ hàng năm phải báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, đảm bảo lễ hội diễn ra an toàn, lành mạnh, có ý nghĩa.
Ban Quản lý di tích, Ban Tổ chức lễ hội có phương án quản lý hòm công đức, sử dụng tiền công đức công khai, minh bạch và đúng mục đích. Không đưa các linh vật ngoại lai, hiện vật lạ không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam vào các khu di tích, khu thờ tự, đảm bảo tính nguyên trạng của di tích theo đúng Luật Di sản văn hóa và các văn bản hướng dẫn thi hành. Thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình, hướng dẫn việc đăng ký, thông báo về tổ chức lễ hội. Đổi mới, đa dạng hóa các nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, Nhân dân và du khách nghiêm túc thực hiện các quy định của Nhà nước về tổ chức lễ hội.
Ngoài ra, niêm yết công khai Quy tắc ứng xử nơi công cộng tại những điểm có lễ hội diễn ra để du khách thực hiện sinh hoạt tín ngưỡng, tham quan di tích, dự lễ hội biết và thực hiện. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội trước, trong và sau Tết Nguyên đán, bảo đảm phục vụ nhân dân đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, phù hợp với nếp sống văn minh, phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc và tình hình dịch bệnh Covid-19 của từng địa phương.
Hoạt động lễ hội trên địa bàn Thủ đô đã tạo nên sắc thái riêng của những phong tục tập quán truyền thống người Hà Nội, làm cho con người càng thêm yêu mến và gắn bó với mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Thông qua việc tổ chức các hoạt động lễ hội để tri ân, tưởng nhớ công đức các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, các bậc tiền bối đã có công xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di sản văn hóa; đảm bảo phần lễ trang nghiêm, phần hội vui tươi, lành mạnh phục vụ nhân dân vui Xuân, đón Tết.