Dẫu hiếm muộn cũng đừng tìm đến dịch vụ "đẻ thuê"
Xu hướng mới, biến động đa dạng
Những năm qua, trên địa bàn Hà Nội, Công an Thành phố đã triệt phá được nhiều đường dây mang thai hộ với mục đích thương mại. Mới đây nhất, sau gần 1 năm thâm nhập, điều tra, Đội Chống tệ nạn xã hội và mua bán người (Đội 2), Phòng Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Hà Nội đã triệt phá thành công đường dây mang thai hộ do Đinh Thị Bình, trú tại Khu đô thị Thanh Hà (huyện Thanh Oai) cầm đầu.
Mỗi hợp đồng các đối tượng thỏa thuận giá từ 700 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, gồm cả tiền hợp đồng cấy tạo phôi, chăm sóc người mang thai hộ. Từ tháng 5/2021 đến tháng 4/2022, đường dây của Bình đã môi giới trót lọt 8 vụ, thu khoảng 6 tỷ đồng.
Vợ chồng Đinh Thị Bình tại căn nhà thuê làm địa điểm hoạt động môi giới đẻ thuê. |
Ngoài vụ án liên quan đến đối tượng Đinh Thị Bình đã được triệt phá gần đây thì trước đó, đầu năm 2021, Công an quận Long Biên (Hà Nội) cũng đã thông tin về việc đã bắt tạm giam đối tượng cầm đầu đường dây mang thai hộ với mục đích thương mại, kiếm lợi bất chính lên tới hàng trăm triệu đồng. Đối tượng cầm đầu là Hoàng Huệ Tâm, sinh năm 1994, trú tại xã Dân Tiến, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên.
Cũng trong năm 2021, Công an thành phố Hà Nội cũng ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can 3 đối tượng Nguyễn Anh Thư (sinh năm 1992; trú tại phường 4, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long), Phạm Ngọc Thảo (sinh năm 1981; trú tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh), Nguyễn Danh Hòa (sinh năm 1962; trú tại phường Láng Thượng, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội) về tội Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại.
Thượng úy Nguyễn Tiến Tuấn - Đội 2, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Hà Nội nhận định, hiện nay, xuất phát từ nhu cầu thực tế, nhiều người không có khả năng mang thai tự nhiên, phải dựa vào khoa học kĩ thuật để tác động mà “dịch vụ” mang thai hộ ngày càng nở rộ. Tội danh mang thai hộ là một trong những xu hướng mới, thủ đoạn ngày càng tinh vi, biến động đa dạng.
“Trong quá trình làm việc, chúng tôi cũng đã gặp rất nhiều trường hợp gia đình có hoàn cảnh đặc biệt hoặc hiếm muộn thực sự. Có trường hợp, gia đình chỉ có duy nhất 1 người con trai nhưng không may gặp tai nạn giao thông và qua đời. Gia đình muốn duy trì huyêt mạch của mình nên đã tìm đến các phương pháp mang thai hộ nhưng không chính thống”, Thượng úy Nguyễn Tiến Tuấn chia sẻ.
Không chỉ vi phạm pháp luật, việc thực hiện dịch vụ mang thai hộ chui chứa đựng nhiều rủi ro cho cả người nhờ mang thai hộ lẫn người thực hiện dịch vụ. Hiện nay, mạng xã hội phát triển càng khiến cho hoạt động môi giới này diễn ra mạnh mẽ hơn và khó đấu tranh hơn. Những đối tượng môi giới thường dùng số điện thoại “rác”, tài khoản mạng xã hội ảo để hoạt động và rất ít khi lộ diện nên khó xác định danh tính.
Chỉ cần gõ cụm từ “dịch vụ đẻ thuê”, hay “dịch vụ mang thai hộ” trên trang mạng, có đến hàng chục nhóm kín hiện ra với số lượng thành viên từ vài chục đến cả trăm ngàn thành viên. Bên trong các hội nhóm này là những cuộc thảo luận, bàn tán rôm rả về những trường hợp hiếm muộn, các phương pháp chữa trị…
Theo tìm hiểu của phóng viên, một ca mang thai hộ có giá từ 700 - 800 triệu, trong đó, người mang thai hộ được trả 300 - 450 triệu đồng/ca. Đối tượng mang thai hộ phải dưới 40 tuổi. Giá cả còn phụ thuộc vào gói dịch vụ của khách. Điều kiện để mang thai hộ cũng hết sức đơn giản, người muốn mang thai hộ chỉ cần gửi các thông tin liên quan đến năm sinh, chiều cao, cân nặng và số lần sinh (sinh thường hay mổ) để đối tượng môi giới “thẩm định”.
Cũng theo Thượng úy Nguyễn Tiến Tuấn, hiện nay nhiều người vẫn lợi dụng sơ hở của pháp luật để tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, thậm chí, nhiều người mang thai hộ, thuê người mang thai hộ chưa nhận thức được đây là hành vi phạm tội hình sự. Chính vì vậy, cần phải tiếp tục tuyên truyền để người dân biết và thực hiện đúng pháp luật.
Tăng cường ngăn chặn hành vi vi phạm
Về vấn đề này, chuyên gia tội phạm học, Tiến sĩ - Trung tá Đào Trung Hiếu, Cục Truyền thông Công an nhân dân (Bộ Công an) nhận định, đây là loại tội phạm rất khó phát hiện, đấu tranh. Các đối tượng thường móc nối với nhân viên tại một số cơ sở y tế để thực hiện hành vi mang thai hộ trong một đường dây khép kín.
Từ khâu dụ dỗ, tiếp cận, cấy ghép phôi, noãn đều được các đối tượng cấu kết với nhau một cách chặt chẽ. Đặc biệt, các đối tượng đều làm giả các giấy tờ, tài liệu, biến việc mang thai hộ thành hoạt động vì mục đích nhân đạo để thực hiện các thủ thuật cấy ghép tại các bệnh viện…
Trên mạng xã hội, dịch vụ mang thai hộ được quảng cáo công khai. |
Luật sư Phạm Hải Long (Văn phòng luật sư Quốc Thái) nhận định, hiện nay, dưới chiêu bài mang thai hộ, giúp đỡ các gia đình hiếm muộn thực hiện ước mơ trở thành cha mẹ, nhiều đối tượng đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật, tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, thậm chí thành lập các đường dây mang thai hộ đa quốc gia để trục lợi. Cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 là một quy định mang tính nhân văn cao, tạo cơ hội cho nhiều người trở thành cha mẹ. Tuy nhiên, pháp luật cũng đã quy định rõ việc mang thai hộ vì mục đích thương mại là hành vi bị nghiêm cấm.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng mang thai hộ vì mục đích thương mại vẫn tiếp diễn trong thời gian qua là do chế tài đối với loại tội phạm này còn khá nhẹ và chưa chặt chẽ, khó đủ sức răn đe. Trong khi đó, trong xã hội có cầu, ắt có cung nên sẽ khó hạn chế được tình trạng mang thai hộ vì mục đích thương mại khi mà mức xử phạt đối với loại tội phạm này còn quá thấp.
“Do vậy, theo tôi, để ngăn chặn triệt để hành vi mang thai hộ bất hợp pháp rất cần sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành. Đồng thời, pháp luật cần có những quy định cụ thể, chặt chẽ hơn cũng như đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền để nâng cao nhận thức của nhân dân đối với loại tội phạm này”, luật sư Phạm Hải Long nhấn mạnh.
Trên thực tế, về việc đấu tranh với các ổ nhóm tội phạm mang thai hộ, lực lượng chức năng cũng đang kiến nghị có những quy định, quy chế phối hợp giữa lực lượng Công an và ngành Y tế để trao đổi thông tin. Khi có những nghi ngờ về mang thai hộ vì mục đích thương mại thì lực lượng y tế và công an sẽ có sự trao đổi, trên cơ sở thông tin để cùng nhau xác minh, phát hiện và ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật này.
Nói về quan điểm này, Thiếu tá Hoàng Văn Hùng, Đội trưởng Đội 2, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an thành phố Hà Nội) cho rằng, mang thai hộ vì mục đích thương mại, bản chất xuất phát là từ những nhận thức lệch chuẩn của người có nhu cầu mang thai hộ. Do pháp luật của Việt Nam chỉ cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo nên các đối tượng đã lợi dụng các kẽ hở pháp luật để trục lợi.
“Để có giải pháp, biện pháp hữu hiệu, tôi cho rằng, ngoài việc sửa đổi hoàn thiện về luật, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền để giáo dục chung đến người dân. Các cơ sở khám chữa bệnh cần có thông tin và xác minh kỹ hơn nữa khi tiếp nhận hồ sơ mang thai hộ và nhận mang thai hộ”, Thiếu tá Hoàng Văn Hùng cho hay.
Theo lực lượng Công an thành phố Hà Nội, hiện tại, pháp luật Việt Nam cũng đã cấp phép một số cơ sở về lĩnh vực này, do vậy, bản thân những người hiếm muộn cũng cần tự nâng cao nhận thức về pháp luật, nên chọn các cơ sở có uy tín, có chuyên môn, được cấp phép của Bộ Y tế về lĩnh vực mang thai hộ. Đồng thời, nên tham khảo, đến các chuyên gia đến khám, tư vấn cụ thể, không nên thông qua các kênh trung gian không chính thống, trên mạng xã hội. |