Cứu sống bệnh nhân bị phản vệ nguy kịch với “Thuốc đông y gia truyền”
Xuyên đêm phẫu thuật nối cánh tay đứt rời cho bệnh nhân Bệnh nhân co giật, hôn mê sâu vì ngộ độc thuốc diệt chuột |
Bác sỹ Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương thăm khám cho bệnh nhân Trần Xuân Y., bị sốc phản vệ sau khi uống thuốc đông y. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN) |
Ngày 22/4, bác sỹ Đặng Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (xã Chí Đám, huyện Đoan Hùng, Phú Thọ) cho biết, đơn vị vừa cấp cứu thành công nam bệnh nhân bị sốc phản vệ nguy kịch sau khi dùng thuốc đông y để chữa bệnh tê bì chân tay.
Sáng cùng ngày, các bác sỹ tại Trung tâm Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương đã tiếp nhận và cấp cứu cho nam bệnh nhân Trần Xuân Y. 65 tuổi, ở thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái, bị phản vệ nguy kịch với "Thuốc đông y gia truyền."
Bệnh nhân vào phòng cấp cứu trong tình trạng nổi ban đỏ toàn thân, ý thức chậm, buồn nôn và có nôn ra thức ăn, phổi thông khí hai bên giảm; khai thác tiền sử có dị ứng với tằm, tôm cua.
Ngay khi tiếp nhận và khai thác tiền sử và triệu chứng khác, các bác sỹ đã chẩn đoán bệnh nhân bị phản vệ mức độ nguy kịch và áp dụng phác đồ cấp cứu phản vệ. Sau cấp cứu bệnh nhân dần ổn định và duy trì huyết áp trong giới hạn và được chuyển Khoa Hồi sức cấp cứu bệnh viện điều trị.
Theo người nhà, bệnh nhân bị tê bì tay chân nhiều năm, gần đây người nhà có mua thuốc đông y được in quảng cáo là “Thuốc đông y gia truyền” để cho bệnh nhân uống. Sáng nay, sau uống thuốc rồi đi làm, bệnh nhân có biểu hiện ngứa, đỏ da rải rác toàn thân.
Khi về nhà, bệnh nhân bôi rượu vào người để giảm ngứa, nhưng ngay sau đó triệu chứng mệt mỏi tăng lên, bệnh nhân ngã ra nền nhà, gọi hỏi đáp ứng chậm, gia đình lập tức đưa bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu.
Bác sỹ Đặng Thanh Hải cho biết, hiện sức khỏe của bệnh nhân phục hồi tốt, đang được các bác sỹ tiếp tục theo dõi và có thể xuất viện trong vài ngày tới. Bác sỹ Hải cũng khuyến cáo, sốc phản vệ có thể xảy ra bất cứ lúc nào và hậu quả vô cùng nguy hiểm nếu không được cấp cứu kịp thời.
Do đó, khi cơ thể có dấu hiệu bất thường sau khi tiếp xúc với các dị nguyên như: ong đốt, kiến đốt, tiêm, uống thuốc, ăn các loại thực phẩm..., người dân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Đặc biệt, với những bệnh nhân đã có tiền sử dị ứng với thuốc và các dị nguyên, cần thận trọng khi sử dụng thuốc, nên mua thuốc theo đơn của bác sĩ kê sau khi khám bệnh tại bệnh viện, không nên tự ý mua thuốc về uống hay tiêm, truyền tại nhà...
Tại Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, toàn bộ bệnh nhân có tiền sử sốc phản vệ đều được khai thác kỹ và cấp thẻ dị ứng. Trên thẻ này có ghi rõ các dị nguyên đã ghi nhận gây sốc phản vệ cho bệnh nhân.
Khi đi khám, chữa bệnh, bệnh nhân cần mang theo thẻ dị ứng này giúp các bác sỹ hiểu rõ về tiền sử bệnh của mình để có phác đồ điều trị phù hợp, tránh những sự cố y khoa đáng tiếc có thể xảy ra./.
Theo Trung Kiên/Vietnamplus.vn