Công an Đà Nẵng cảnh báo người dân các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Đà Nẵng: Công đoàn tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam Đà Nẵng lấy ý kiến về các khoản thu từ phụ huynh để phục vụ hoạt động giáo dục |
Phòng An ninh Kinh tế, Công an thành phố Đà Nẵng cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đề nghị người dân cảnh giác, như sau:
Thứ nhất, đối tượng mạo danh là nhân viên công ty bảo hiểm gọi điện thoại liên hệ khách hàng giải quyết vụ trục lợi bảo hiểm. Theo đó khách hàng bị tố cáo làm khống hồ sơ bồi thường để trục lợi bảo hiểm mặc dù khách hàng chưa tham gia bảo hiểm hoặc không có phát sinh hồ sơ bồi thường. Nếu khách hàng không phối hợp giải quyết thì bảo hiểm sẽ tự động trừ tiền trong tài khoản của khách hàng để thu hồi số tiền trục lợi bảo hiểm.
Đồng thời, yêu cầu khách hàng gặp người khác tự xưng là người của Cơ quan điều tra để được hỗ trợ, hướng dẫn như yêu cầu chuyển tiền qua tài khoản, cung cấp các thông tin tài khoản ngân hàng, số CMND/CCCD, hợp đồng bảo hiểm, mật khẩu…nhằm thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân.
(Ảnh minh họa) |
Thứ hai, đối tượng chuyển một khoản tiền nhỏ vào tài khoản của khách hàng, sau đó mạo danh ngân hàng gọi điện thoại hoặc gửi tin nhắn (hiển thị tên thương hiệu ngân hàng) cho khách hàng thông báo giao dịch chuyển tiền bị treo và yêu cầu khách hàng truy cập vào đường dẫn Internet (đường link) trong tin nhắn để tra soát giao dịch, xác nhận thông tin, mở khóa lệnh chuyển tiền… nhằm lừa đảo khách hàng cung cấp thông tin bảo mật của dịch vụ ngân hàng điện tử (như tên truy cập, mật khẩu, OTP) sau đó chiếm quyền kiểm soát tài khoản của khách hàng.
Ngoài ra các đối tượng còn lập trang website mạo danh ngân hàng để tiếp nhận và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về sản phẩm dịch vụ của ngân hàng nhằm thu thập thông tin cá nhân, lịch sử giao dịch và tài khoản ngân hàng.
Thủ đoạn thứ ba là đối tượng mạo danh công ty tài chính mời khách hàng vay vốn, hướng dẫn khách hàng cài đặt ứng dụng trên điện thoại di động (như ứng dụng Auto Cash…) để giải ngân một khoản tiền “ảo” (không có thực) kèm theo việc hiển thị hợp đồng tín dụng với con dấu giả, chữ ký giả của người có thẩm quyền của công ty tài chính nhằm lừa đảo khách hàng chuyển khoản đặt cọc để chiếm đoạt.
Một thủ đoạn khác là đối tượng gửi tin nhắn mạo danh thương hiệu ngân hàng đến khách hàng (tin nhắn này được nhân, lưu trong cùng mục với các tin nhắn của ngân hàng trên điện thoại di động của khách hàng) để thông báo tài khoản của khách hàng có dấu hiệu bất thường và hướng dẫn khách hàng xác nhận thông tin, thay đổi mật khẩu…thông qua truy cập đường link giả mạo gửi kèm trong tin nhắn, qua đó lừa đảo khách hàng tiết lộ các thông tin bảo mật như tên truy cập, mã OTP để sử dụng chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng.
Để phòng ngừa các thủ đoạn tinh vi của các đối tượng lừa đảo, tránh thiệt hại về tài sản, Phòng An ninh Kinh tế, Công an thành phố Đà Nẵng đề nghị người dân cảnh giác với các số điện thoại lạ, số giả gọi đến yêu cầu kê khai thông tin cá nhân, kê khai tài sản, xác minh thu thập thông tin tài khoản ngân hàng.
Người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số chứng minh thứ (căn cước công dân), địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân, hợp đồng bảo hiểm… cho bất kỳ ai không quen biết hoặc chưa biết rõ nhân thân, lai lịch.
Đặc biệt, không đăng nhập vào đường link lạ trên các website, tin nhắn. Bên cạnh đó, khi nhận các cuộc điện thoại có dấu hiệu nếu trên, người dân cần bình tĩnh, không lo sợ, nhanh chóng liên hệ với Tổng đài hotline chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp hoặc người thân, bạn bè để được tư vấn.
"Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì người dân kịp thời thông báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết", Phòng An ninh Kinh tế, Công an thành phố Đà Nẵng đề nghị.