Bệnh Adenovirus có thể gây nguy hiểm ở những nhóm người này
Nhận biết và phòng tránh bệnh mùa lạnh cho trẻ em |
Trẻ em - đối tượng dễ mắc Adenovirus
Adenovirus lây truyền chủ yếu theo đường hô hấp. Với đa dạng type virus gây bệnh, cụ thể là 6 nhóm gồm 47 type huyết thanh gây bệnh, Adenovirus phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn chuyển mùa Xuân - Hè hoặc Thu - Đông và xâm nhập gây bệnh trong cơ thể người.
Trẻ em - đối tượng dễ mắc Adenovirus . |
Thực tế, Adenovirus không trừ một ai để xâm nhập vào cơ thể khi có cơ hội và con đường lây nhiễm. Tuy nhiên, nhóm đối tượng dễ mắc Adenovirus cần phải tăng cường phòng bệnh hơn cả đó là trẻ em. Phần lớn Adenovirus gặp ở trẻ trong giai đoạn từ 6 tháng đến 6 tuổi, ít gặp ở trẻ sơ sinh, bởi trẻ sơ sinh vẫn còn kháng thể từ mẹ truyền cho qua rau thai. Tỷ lệ trẻ nhỏ hơn 2 tuổi mắc Adenovirus được thống kê chiếm 85% các trường hợp.
Lý giải vì sao nhóm đối tượng trẻ em nói trên có nguy cơ mắc Adenovirus hơn người bình thường khác, bác sĩ Trần Thị Kim Ngọc - Chuyên khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC cho biết: Adenovirus có thể xâm nhập qua nhiều đường như hô hấp, giọt bắn hay nguồn nước,… khi có cơ hội. Với trẻ nhỏ những năm đầu đời thường có sức đề kháng yếu, hệ miễn dịch chưa được hoàn thiện đủ mạnh để có thể chống lại sự tấn công của virus. Khi hệ miễn dịch suy yếu tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh tiến triển mạnh, gây nhiều triệu chứng và có thể gây tổn thương ở cơ quan khác nhau, ảnh hưởng tới sức khỏe, thậm chí tử vong.
Bác sĩ Ngọc nói thêm về các triệu chứng do Adenovirus gây ra ở trẻ em gồm:
Viêm long đường hô hấp trên, viêm phổi: ho, chảy dịch mũi,…
Bệnh cảnh nhiễm trùng: sốt cao khó hạ, mệt mỏi, ăn uống kém,...
Viêm kết mạc, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa.
Người lớn có bị nhiễm bệnh do Adenovirus không?
Người lớn hoàn toàn có thể bị lây nhiễm Adenovirus, đặc biệt là trong các gia đình có con nhỏ mắc bệnh do Adenovirus thì bố mẹ hay người chăm sóc trẻ dễ bị lây bệnh. Người cao tuổi, người có bệnh hô hấp mạn tính, mắc các bệnh mạn tính đang điều trị như tim mạch, ung thư, người từng cấy ghép tạng hoặc ghép tế bào gốc, suy giảm miễn dịch có thể dễ bị Adenovirus tấn công gặp biến chứng nặng, thậm chí là tử vong.
Nhóm người này cần biết cách phòng bệnh hiệu quả, cũng như theo dõi, điều trị cẩn thận nếu xuất hiện các triệu chứng, hạn chế tối đa các yếu tố nguy cơ nguy hiểm đến tính mạng có thể xảy ra.
Đối với người khỏe mạnh cũng không tránh khỏi lây Adenovirus. Tuy nhiên, người lớn khỏe mạnh thường có triệu chứng bệnh nhẹ, không gây nguy hiểm. Nguyên nhân do hệ miễn dịch tốt sẽ có cơ chế chống lại virus, bởi vậy người bệnh thường tự khỏi sau khoảng 5-7 ngày. Trong thời gian nhiễm virus, người bệnh cần chú ý nghỉ ngơi, điều trị giảm nhẹ triệu chứng tại nhà bằng thuốc hạ sốt, giảm đau, bù nước theo chỉ định của bác sĩ.
Phòng ngừa Adenovirus bằng cách nào?
Hiện tại vaccine phòng bệnh do Adenovirus gây ra vẫn trong quá trình nghiên cứu.
Phòng bệnh để giảm nguy cơ nhiễm Adenovirus, cũng như hạn chế tối đa nguy hiểm ở trẻ - nhóm dễ mắc bệnh , bác sĩ Ngọc chia sẻ các biện pháp cần thiết, cụ thể:
Có chế độ dinh dưỡng đầy đủ giúp tăng cường sức đề kháng cho trẻ, trẻ sơ sinh nên được bú mẹ hoàn toàn trong 2 năm đầu đời. Dinh dưỡng thời kỳ ăn dặm của trẻ cũng cần được mẹ chú ý bổ sung đầy đủ dinh dưỡng.
Giữ vệ sinh và hướng dẫn trẻ vệ sinh cá nhân đúng cách:
Vệ sinh mũi họng thường xuyên, mẹ sử dụng nước muối sinh lý làm sạch mũi cho trẻ;
Hướng dẫn trẻ rửa tay đúng cách và rửa tay thường xuyên;
Hướng dẫn trẻ cách ho, hắt hơi vào khăn tay hoặc khăn giấy, không ho và hắt hơi vào tay;
Cha mẹ, người chăm sóc trẻ chú ý rửa tay sạch sẽ trước khi tiếp xúc hoặc chăm sóc trẻ;
Giữ vệ sinh các bề mặt trẻ tiếp xúc thường xuyên.
Thời điểm giao mùa không để trẻ nhiễm lạnh.
Cho trẻ tránh xa các nguồn bệnh, đảm bảo cách ly trẻ với người bệnh.
Tập thói quen đeo khẩu trang cho trẻ khi ra ngoài.
Tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch theo khuyến cáo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.
Đối với người lớn, chúng ta cần chủ động tăng cường sức khỏe, nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng cách bổ sung đủ chất dinh dưỡng, tập thể dục thường xuyên và có biện pháp vệ sinh cá nhân phòng ngừa sự tấn công của virus.
Và để hạn chế tối đa nguy cơ người bệnh mắc Adenovirus trở nặng và nguy hiểm, bên cạnh việc phòng bệnh hiệu quả, thì phát hiện sớm bệnh có vai trò quan trọng trong điều trị tích cực các bệnh lý do Adenovirus.
Cách duy nhất khẳng định chính xác người bệnh có nhiễm Adenovirus hay không là xét nghiệm. Bằng mẫu dịch tỵ hầu của người có triệu chứng nghi nhiễm virus, MEDLATEC sử dụng kỹ thuật Real time PCR - kỹ thuật sinh học phân tử hiện đại phân tích, phát hiện sự có mặt của Adenovirus và 6 loại virus khác (Enterovirus, Metapneumovirus, Parainfluenza type I, II, III, IV) là nguyên nhân gây các bệnh lý đường hô hấp thường gặp.
Theo Thu Phương/kinhtedothi.vn
https://kinhtedothi.vn/benh-adenovirus-co-the-gay-nguy-hiem-o-nhung-nhom-nguoi-nay.html