Phát tán tin giả phải đi tù thật
Luật quy định phát tán tin giả, đi tù thật. (Ảnh minh họa) |
Theo thống kê của cơ quan chức năng, tính đến đầu năm 2024 đã có 78,44 triệu người sử dụng internet (tỷ lệ tiếp cận internet của Việt Nam đạt 79,1% tổng dân số); 72,70 triệu người sử dụng mạng xã hội (chiếm 73,3% tổng dân số); 168,5 triệu kết nối di động (chiếm 169,8% tổng dân số).
Thời gian trung bình người Việt dùng internet trên điện thoại di động là 3 giờ 30 phút mỗi ngày, trong đó sử dụng chủ yếu là các nền tảng như: Facebook, Youtube, TikTok, Zalo... Những nền tảng này cũng đang là môi trường phát tán tin giả, thông tin xấu, độc phổ biến nhất hiện nay.
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật. |
Một số vụ việc mới bị xử phạt hành chính như: Vào ngày 3/4/2024, ông N.T.V sử dụng tài khoản Facebook do ông lập để đăng tải gồm: “Việc sử dụng thức ăn tự nhiên cho chăn nuôi có bổ sung nguyên liệu chè xanh không phải là việc làm mới mẻ”; “Việc triển khai đề tài: Nghiên cứu, xây dựng quy trình nuôi lợn lấy thịt từ thức ăn tự nhiên có bổ sung nguyên liệu chè xanh Thái Nguyên từ tháng 12/2023 được nhiều người coi là… muộn”; “Tiếc là nghiên cứu muộn quá khi mà các nơi đã áp dụng vào thực tiễn thành công, vậy thì chỉ nên học hỏi thôi phải không lãnh đạo?”.
Đây là thông tin sai sự thật đã làm ảnh hưởng đến uy tín của các nhà khoa học, của các cơ quan quản lý; xúc phạm đến cơ quan, tổ chức, ảnh hưởng đến uy tín của Trường Đại học Nông Lâm - Đại học Thái Nguyên và nhóm nhà khoa học đang trực tiếp thực hiện đề tài: “Nghiên cứu, xây dựng quy trình nuôi lợn lấy thịt từ thức ăn tự nhiên có bổ sung nguyên liệu chè xanh Thái Nguyên”; ảnh hưởng đến phát triển ngành chè, thương hiệu chè và ngành chăn nuôi của tỉnh; tác động xấu trong xã hội và người dân.
Ngày 12/4, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Thái Nguyên ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng và buộc gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật đối với ông N.T.V về hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức”.
Hay vụ việc "Loan tin sai sự thật về nữ tài xế vi phạm nồng độ cồn". Trước đó, PA05 phát hiện một tài khoản Facebook đăng tải thông tin liên quan đến vụ nữ tài xế vi phạm nồng độ cồn va chạm giao thông trên phố Trần Cung (Cầu Giấy, Hà Nội) vào đêm 5/3.
Bài đăng có đoạn viết: "Đã xác định chị đại được cho là con cháu Bộ trưởng T.L". Qua xác minh, PA05 Công an thành phố Hà Nội xác định anh T. là người đã chia sẻ bài đăng kể trên. Ngày 10/3, PA05 Công an thành phố Hà Nội phối hợp với Công an huyện Thanh Oai mời anh T. lên làm việc. Tại trụ sở công an, anh T. thừa nhận hành vi của mình và cam kết không tái phạm, đồng thời bị phạt 7,5 triệu vì phát tán tin giả.
Thực trạng tin giả đã và đang tác động rất nhiều đến kinh tế xã hội của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tin giả trên mạng xã hội nhưng tác động là thật, khiến cho mọi người hoang mang và ảnh hưởng không nhỏ tới nhiều lĩnh vực trong cuộc sống.
Kể từ năm 2019, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã phối hợp với các đơn vị liên quan, xử lý hơn 2.000 vụ đăng tải, phát tán thông tin xấu độc, tin giả, sai sự thật gây hoang mang dư luận, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã phối hợp với các đơn vị liên quan, xử lý hơn 2.000 vụ đăng tải, phát tán thông tin xấu độc, tin giả.. |
Theo Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử (được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Nghị định số 14/2022/NĐ-CP ngày 27/1/2022), quy định “phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Đối với các hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân,… thì tùy vào hành vi khách quan, khách thể, chủ thể của hành vi phạm tội cũng như hậu quả do hành vi đó gây ra mà Bộ luật Hình sự 2015 điều chỉnh, quy định trong nhiều điều luật với các tội phạm cụ thể như: Tội vu khống (Điều 156); Tội làm nhục người khác (Điều 155); Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác (Điều 159); Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân (Điều 331); Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước (Điều 337); Tội vô ý làm lộ bí mật nhà nước; tội làm mất vật, tài liệu bí mật nhà nước (Điều 338); Tội cố ý làm lộ bí mật công tác; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy tài liệu bí mật công tác (Điều 361); Tội vô ý làm lộ bí mật công tác; tội làm mất tài liệu bí mật công tác (Điều 362)…
Khi có hành vi cụ thể xảy ra, dựa trên tính chất, mức độ và hậu quả, tác hại do hành vi đó gây ra, cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào quy định của Bộ luật Hình sự 2015, Nghị định 15/2020/NĐ-CP, Nghị định số 14/2022/NĐ-CP để đánh giá và có hình thức xử lý phù hợp.
Trong trường hợp nếu vi phạm nghiêm trọng, cá nhân, tổ chức có thể bị xử lý hình sự theo các tội: Tội làm nhục người khác sẽ bị phạt tù 3 tháng đến 2 năm. Người vi phạm có thể chịu hình thức xử phạt bổ sung là nộp 10-30 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề 1-5 năm.
Nếu bị tuyên tội vu khống, người vi phạm sẽ bị phạt tù 1-3 năm cùng hình thử xử phạt bổ sung gồm: 10-50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề 1-5 năm.
Với tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, người vi phạm phải chịu phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Trường hợp phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội bị phạt từ từ 2 năm. Nếu làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, người vi phạm có thể bị phạt về tội làm, lưu trữ, phân phối hoặc phổ biến thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam theo Điều 117 Bộ luật Hình sự sẽ bị phạt tù 5-12 năm.