Nâng cao hiệu quả phòng cháy, chữa cháy tại trường học
Cơ sở giáo dục là nơi tập trung đông người, đa phần là học sinh, sinh viên còn thiếu và yếu về kỹ năng PCCC. Bên cạnh đó, công tác bảo đảm an toàn PCCC tại một số cơ sở giáo dục còn bộc lộ những hạn chế, tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ.
Do vậy, tăng cường công tác kiểm tra, tuyên truyền, bảo đảm tốt các điều kiện, phương tiện PCCC, đồng thời nâng cao nhận thức của mỗi cán bộ, giáo viên và học sinh về công tác an toàn PCCC là đặc biệt quan trọng.
Tại Hà Nội, những năm gần đây, mặc dù không xảy ra các vụ cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng trong các cơ sở giáo dục nhưng thực tế vẫn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra.
Tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn PCCC là yếu tố vô cùng quan trọng, góp phần bảo đảm an toàn trong nhà trường. |
Một số nguy cơ tiềm ẩn có thể kể đến như: hệ thống đường dây dẫn điện chưa được an toàn; công tác theo dõi hồ sơ hoạt động PCCC chưa được đảm bảo; nguồn nhiệt từ việc sử dụng lửa, trong các phòng thí nghiệm, bếp ăn của nhà trường.
Ngoài ra, số lượng học sinh đông nên khi có sự cố hoặc cháy sẽ dẫn đến tình trạng chen lấn, xô đẩy gây tai nạn thương tích; cổng trường nhỏ, giao thông không thuận tiện gây khó khăn cho việc xe chữa cháy tiếp cận cũng như việc thoát nạn; việc trang bị các thiết bị phòng, chống cháy, nổ còn hạn chế; chưa quan tâm tổ chức các buổi tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ PCCC …
Do vậy, tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn PCCC là yếu tố vô cùng quan trọng, góp phần bảo đảm an toàn trong nhà trường. Mới đây, nhằm trang bị các kiến thức, kỹ năng xử lý sự cố cháy, nổ khi mới phát sinh, Công an huyện Thạch Thất phối hợp với một số trường học trên địa bàn tổ chức tuyên truyền kiến thức phòng cháy chữa cháy.
Cụ thể, tại Trường THPT Minh Hà (Thạch Thất), đây là ngôi trường mới được thành lập nên việc tuyên truyền các kiến thức pháp luật về PCCC là vô cùng cần thiết. Tham dự buổi tuyên truyền có hơn 600 em là học sinh lớp 10 cùng giáo viên, cán bộ, công nhân viên của nhà trường.
Tại buổi tuyên truyền, đồng chí Nguyễn Văn Lưu - Phó Bí thư Đoàn Công an huyện Thạch Thất đã phổ biến nội dung kiến thức cơ bản về công tác đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) như: Khái quát tình hình cháy nổ trên địa bàn trong thời gian qua; nguyên nhân của các vụ cháy nổ; kỹ năng thoát nạn trong đám cháy; các bước xử lý khi có sự cố cháy, nổ xảy ra và hướng dẫn sử dụng một số trang thiết bị PCCC tại chỗ…
Thông qua buổi tuyên truyền, giúp cho các em học sinh cũng như giáo viên, cán bộ, công nhân viên của trường và các bạn đoàn viên thanh niên nắm bắt được kiến thức cơ bản về công tác PCCC&CNCH. Đặc biệt là biết cách hướng dẫn thoát nạn, các thao tác cứu người cơ bản và cách sử dụng, vận hành phương tiện chữa cháy ban đầu: bình chữa cháy xách tay, hệ thống chữa cháy vách tường…
Với công tác chuẩn bị chu đáo, cách tổ chức bài bản, buổi tuyên truyền kiến thức đã góp phần nâng cao ý thức toàn bộ giáo viên, cán bộ, công nhân viên. Qua đó, đẩy mạnh công tác phòng ngừa, xử lý có hiệu quả các vụ cháy, nổ ngay từ ban đầu, hạn chế thấp nhất số vụ và thiệt hại về người do cháy, nổ gây ra.
Tương tự, tại Trường THCS Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm), mới đây cũng đã tưng bừng tổ chức ngày hội “Tự hào là người lính cứu hoả”. Đây là hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho học sinh, cán bộ, giáo viên. Đồng thời, qua ngày hội tuyên truyền pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để mỗi học sinh sẽ là một tuyên truyền viên tới gia đình, bạn bè, xã hội.
Cô Nguyễn Thị Thu Hà, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Thời gian qua, Trường THCS Trưng Vương cũng đã phối hợp với Công an quận Hoàn Kiếm, Ủy ban nhân dân (UBND) phường Hàng Bài tổ chức nhiều chương trình, hoạt động thiết thực, ý nghĩa.
Dịp hè năm học 2021-2022, học sinh Trưng Vương đã trực tiếp hóa thân thành lính cứu hỏa, thực hành dập lửa, cứu hộ, cứu nạn trong chương trình trải nghiệm “Chúng em là lính cứu hỏa”.
Bên cạnh đó, các em tiếp tục được tham quan, trải nghiệm Chương trình “Hành trang đương đầu với giặc lửa” do UBND phường Hàng Bài tổ chức. Trước đó là hoạt động diễn tập nhân ngày hội toàn dân phòng cháy, chữa cháy…
Ngoài ra, thời gian qua, trên địa bàn Hà Nội, nhiều nơi cũng đã hoàn thành việc triển khai mô hình thí điểm “Trường học an toàn phòng cháy, chữa cháy”. Trên thực tế, việc nhờ triển khai mô hình thí điểm “Trường học an toàn phòng cháy, chữa cháy”, các trường học đã nâng cao tính chủ động, khả năng sẵn sàng ứng phó.
Được biết, trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành Thông tư số 06/2022/TT-BGDĐT hướng dẫn trang bị kiến thức, kỹ năng về PCCC và cứu nạn, cứu hộ cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục. Thông tư quy định, đối với giáo dục mầm non: Lồng ghép kiến thức, kỹ năng PCCC và cứu nạn, cứu hộ thông qua các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ; sử dụng phương pháp giáo dục trực quan, minh họa thông qua hoạt động giáo dục phát triển thể chất. Đối với giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên: Lồng ghép trong nội dung các bài học của môn học trong chương trình giáo dục chính khóa; thông qua các hoạt động trải nghiệm, hoạt động hướng nghiệp, hoạt động giáo dục kỹ năng sống và trong các hoạt động sinh hoạt câu lạc bộ, sinh hoạt hè. Đối với giáo dục đại học: Lồng ghép trong môn học giáo dục quốc phòng an ninh và các hoạt động ngoại khóa; phối hợp với các đơn vị có chức năng trong công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ tổ chức hoạt động đào tạo, thực hành, diễn tập phù hợp với nội dung chương trình đào tạo của các nhà trường. |