Đòi nợ thuê kiểu giang hồ có thể bị phạt tù tới 20 năm
20 năm tù cho kẻ đâm chết đối thủ khi đi thu tiền lãi của tiệm cầm đồ Người phụ nữ bị bắt cóc, đánh đập để đòi nợ |
Thời gian qua, Công an các địa phương đã triệt xóa nhiều công ty, tổ chức, cá nhân có hành vi cưỡng đoạt tài sản với phương thức gọi điện thoại đe dọa, khủng bố... buộc "con nợ" phải trả tiền. Điển hình như mới đây, cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Tiền Giang đã khởi tố, bắt tạm giam 5 bị can và tạm giữ hình sự 10 nghi phạm (đều là người của Công ty luật TNHH Pháp Việt, trụ sở ở đường Lê Văn Huân, phường 13, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh) để điều tra hành vi cưỡng đoạt tài sản.
Theo lời khai của các đối tượng, Công ty luật TNHH Pháp Việt ‘núp bóng’ công ty tư vấn luật, có quan hệ hợp tác với một số ngân hàng, công ty tài chính dưới danh nghĩa hợp đồng trợ giúp pháp lý, do Trần Văn Châu và Hồ Quốc Hùng (cùng là phó giám đốc) cầm đầu.
Lực lượng Công an khám xét trụ sở Công ty Luật TNHH Pháp Việt (Ảnh: CQCA) |
Trước đó, cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an thành phố Hà Nội vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với 9 đối tượng về hành vi cưỡng đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc và đánh bạc. Nhóm đối tượng này do Tống Văn Vịnh (sinh năm 1974; trú tại xã Nga Liên, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa), Phó Giám đốc công ty mua bán nợ Hưng Thịnh cầm đầu, sử dụng thủ đoạn lợi dụng danh nghĩa công ty cổ phần mua bán nợ để hợp thức hóa việc đòi nợ thuê.
Tài liệu cơ quan điều tra thể hiện, nhóm Vịnh đã thành lập công ty ma bán nợ, mua tên miền trang web, lập trang Facebook để quảng cáo hoạt động, mua lại các khoản nợ "xấu", nợ khó đòi.
Công ty có mô hình tổ chức, phân công các đội, tổ hoạt động với các quy định “ngầm”. Sau khi ký kết hợp đồng mua bán nợ, công ty cho nhân viên đi gửi thông báo cho con nợ, gửi thông báo cho Công an cơ sở về thời gian đến làm việc.
Các đối tượng mặc đồng phục, đeo thẻ nhân viên công ty, đi ô tô có dán chữ "Công ty mua bán nợ" đến đỗ tại nhà con nợ để thị uy, đồng thời đi đông người gây sức ép, chửi bới, đe dọa. Nếu chây ì không trả, bọn chúng sẵn sàng "ăn nằm" tại nhà, tại công ty, gây xáo trộn cuộc sống gia đình, gây ảnh hưởng đến hoạt động cơ quan tổ chức nơi làm việc, làm mất uy tín, danh dự, buộc con nợ phải viết cam kết trả tiền theo kế hoạch, lộ trình mà chúng đưa ra...
Bắt ổ nhóm đối tượng "đóng vai" công ty thu nợ để đòi nợ thuê (Ảnh: CAHN) |
Phân tích góc độ pháp lý, luật sư Phạm Hải Long (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, với việc đòi nợ bằng cách thức đe dọa, đe dọa giết vợ, con, người thân của người vay tiền, đưa quan tài, bình gas đến nhà họ để uy hiếp tinh thần, đe dọa cho nổ cơ quan của người vay tiền để buộc họ trả nợ có dấu hiệu của Tội cưỡng đoạt tài sản.
Theo Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), người nào có hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt như sau:
* Khung 1:
Phạt tù từ 01 năm đến 05 năm đối với người có hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản.
* Khung 2:
Phạt tù từ 03 năm đến 10 năm đối với người có hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Có tổ chức;
- Có tính chất chuyên nghiệp;
- Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
- Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
- Tái phạm nguy hiểm.
* Khung 3:
Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm đối với người có hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
- Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
* Khung 4:
Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm đối với người có hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
- Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
* Hình phạt bổ sung:
Ngoài hình phạt chính nêu trên, người phạm tội cưỡng đoạt tài sản còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.