19:45 | 13/05/2023

Nhiều doanh nghiệp chuyển đổi số thất bại do khâu vận hành hệ thống

(LĐ&PL) Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh đang là nhu cầu, xu hướng tất yếu của doanh nghiệp hiện nay, trong đó bao gồm cả những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Tuy nhiên, có một thực tế, nhiều doanh nghiệp đã thất bại do khâu vận hành hệ thống.

Thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục tăng mạnh Hút vốn vào tăng trưởng xanh và chuyển đổi số Nhiều ngành, lĩnh vực có nhu cầu tuyển dụng các vị trí liên quan đến chuyển đổi số

Tại Toạ đàm "Công nghệ tiên phong - Vận hành tối ưu”, tiến sĩ Đỗ Tiến Long, Chủ tịch Hội đồng Chuyên gia Công ty OD Click cho biết, kết quả nghiên cứu của Ban Chuyển đổi số Quốc gia cho thấy 48% doanh nghiệp Việt Nam mua phần mềm xong 2 năm sau thì bỏ, do khó khăn liên quan vận hành hệ thống. Vị chuyên gia này cho rằng, việc ứng dụng công nghệ vào vận hành hoạt động của doanh nghiệp là không hề dễ dàng.

Ông Đỗ Tiến Long chia sẻ câu chuyện 10 năm trước xuống làm việc tại một doanh nghiệp. Doanh nghiệp này được đầu tư công nghệ hiện đại từ nước ngoài để vận hành hệ thống, nhưng chỉ “đắp chiếu” nằm đó với lý do: “mỗi lần vận hành thì lỗi và lại phải nhờ chuyên gia nước ngoài sang khắc phục, khiến doanh nghiệp vừa tốn thêm thời gian và chi phí”.

Theo ông Đỗ Tiến Long, công nghệ không theo kịp con người thì cũng bỏ, còn nếu con người không theo kịp công nghệ thì chi phí cao. Do vậy, để chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp nên lựa chọn những công nghệ tương thích với trình độ nhân sự. Bởi bản chất của chuyển đổi số thực chất là sự chuyển đổi về văn hoá doanh nghiệp, tái cơ cấu từ nhân viên đến hệ thống doanh nghiệp để thích ứng về công nghệ.

Nhiều doanh nghiệp chuyển đổi số thất bại do khâu vận hành hệ thống
(Ảnh minh họa)

Theo ông An Ngọc Thao, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), khi có nhiều điển hình doanh nghiệp chuyển đổi số thành công sẽ hình thành mô hình chuyển đổi số cho từng ngành, lĩnh vực, đó là động lực mới để phát triển doanh nghiệp và nền kinh tế.

Tuy nhiên, để làm được điều đó, thì cần có nhiều doanh nghiệp sẵn sàng trong chuyển đổi số, và con số mong muốn sử dụng nền tảng công nghệ trong vận hành doanh nghiệp không phải là 40% mà là gần 1 triệu doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam.

Trong bối cảnh doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, lợi nhuận suy giảm, các thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế và lạm phát như hiện nay có nhiều doanh nghiệp tìm đến các công nghệ chuyển đổi số để thay đổi hoạt động. Đây là yêu cầu tất yếu từ thị trường để các doanh nghiệp có thể tăng cơ hội gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu.

Là đơn vị trực tiếp cung cấp phần mềm chuyển đổi số, bà Đinh Thị Thúy, Tổng Giám đốc MISA cho biết, Công ty đã đưa ra những giải pháp công nghệ giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí và tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả của hoạt động sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, thay vì các phần mềm rời rạc, MISA hiện đã cung cấp một nền tảng số tích hợp từ nền tảng doanh nghiệp hợp nhất đến nền tảng kế toán dịch vụ, kết nối với các cơ quan bên ngoài như thuế, hải quan, ngân hàng, tìm kiếm nhân sự hay mạng xã hội… giúp doanh nghiệp gia tăng tiện ích khi sử dụng.

Không chỉ đáp ứng những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, doanh nghiệp vừa mới thành lập với chi phí từ 0 đồng cho tới vài triệu đồng hay vài chục triệu đồng, công nghệ của MISA còn đáp ứng, làm theo đơn đặt hàng từ nhu cầu của những doanh nghiệp lớn.

Các chuyên gia cũng cho rằng, để tránh những khác biệt về công nghệ, văn hóa, pháp luật cũng như tiết kiệm chi phí, các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là khối doanh nghiệp nhỏ và vừa nên sử dụng công nghệ, phần mềm của những doanh nghiệp trong nước.

Bảo Thoa

Theo

Đường dẫn bài viết: https://laodongvaphapluat.laodongthudo.vn/nhieu-doanh-nghiep-chuyen-doi-so-that-bai-do-khau-van-hanh-he-thong-4320.html

In bài viết

Bản quyền thuộc về Lao động và Pháp luật