18:57 | 11/12/2022

Bán đất, nhà ở thuộc sở hữu chung phải có sự đồng ý của tất cả các chủ sở hữu?

(LĐ&PL) Việc bán nhà ở thuộc sở hữu chung phải có sự đồng ý của tất cả các chủ sở hữu; trường hợp có chủ sở hữu chung không đồng ý bán thì các chủ sở hữu chung khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

Đề xuất bãi bỏ quy định sau 5 năm mới được bán nhà ở xã hội Hợp đồng mua bán nhà thiếu chữ kí bên mua có được pháp luật công nhận không?

Trong thực tế, không ít trường hợp nhiều người cùng góp vốn đầu tư nhà, đất, và Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp đứng tên nhiều người. Câu chuyện của anh H là ví dụ. Cách đây ba năm, có khoản tiền dư, anh H cùng hai người bạn mua chung một mảnh đất hơn 100m2 rồi xây nhà cho thuê. “Sổ đỏ” được sang tên đứng tên cả 3 người.

Đến nay, do có việc cần một khoản tiền lớn, anh H bàn với hai người bạn bán căn nhà trên, tuy nhiên chỉ một người bạn của anh H đồng ý, người còn lại cho rằng hiện nay bất động sản đang mất giá, nên phải chờ thêm thời gian nữa...

Để giải quyết các tình huống như thế này, Luật Nhà ở năm 2014 đã có quy định tại Điều 126. Theo đó:

“1. Việc bán nhà ở thuộc sở hữu chung phải có sự đồng ý của tất cả các chủ sở hữu; trường hợp có chủ sở hữu chung không đồng ý bán thì các chủ sở hữu chung khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật. Các chủ sở hữu chung được quyền ưu tiên mua, nếu các chủ sở hữu chung không mua thì nhà ở đó được bán cho người khác.

Trường hợp có chủ sở hữu chung đã có tuyên bố mất tích của Tòa án thì các chủ sở hữu chung còn lại được quyền bán nhà ở đó; phần giá trị quyền sở hữu nhà ở của người bị tuyên bố mất tích được xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Trường hợp chủ sở hữu chung bán phần quyền sở hữu của mình thì các chủ sở hữu chung khác được quyền ưu tiên mua; trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo về việc bán phần quyền sở hữu nhà ở và điều kiện bán mà không có chủ sở hữu chung nào mua thì phần quyền đó được bán cho người khác; trường hợp vi phạm quyền ưu tiên mua thì xử lý theo quy định của pháp luật về dân sự”.

Như vậy, về nguyên tắc, chỉ khi tất cả các chủ sở hữu chung đồng ý thì tài sản chung là căn nhà mới có thể được bán. Tuy nhiên, cũng theo quy định trên, anh H và người bạn đồng tình bán căn nhà có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật mong muốn của mình. Đồng thời, người không đồng ý bán căn nhà này được quyền ưu tiên mua nếu anh H và người kia quyết định bán.

H.L

Theo

Đường dẫn bài viết: https://laodongvaphapluat.laodongthudo.vn/ban-dat-nha-o-thuoc-so-huu-chung-phai-co-su-dong-y-cua-tat-ca-cac-chu-so-huu-3119.html

In bài viết

Bản quyền thuộc về Lao động và Pháp luật