2 nhóm cán bộ phải nghỉ việc trước thời điểm kết thúc sắp xếp đơn vị hành chính
Bộ Nội vụ khuyến khích cán bộ, công chức dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nghỉ trước so với thời điểm kết thúc lộ trình sắp xếp.
Cán bộ, công chức cấp xã dôi dư
Bộ Nội vụ có văn bản số 1814/BNV-TCBC ngày 26/4/2025 gửi bộ, ngành, địa phương hướng dẫn việc thực hiện Nghị định số 178/2024 và Nghị định số 67/2025 của Chính phủ về chính sách, chế độ với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang khi sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị.
Tại văn bản, Bộ Nội vụ nêu rõ quy định về điều khoản chuyển tiếp liên quan đến việc giải quyết chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức dôi dư.
Theo đó, trong quá trình xây dựng chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Bộ Nội vụ đã báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý dứt điểm đối với cán bộ, công chức cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019-2021 còn chưa giải quyết và khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, công chức cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 nghỉ trước so với thời điểm kết thúc lộ trình sắp xếp.
![]() |
Hà Nội lên phương án bố trí 11.668 cán bộ, công chức dôi dư sau sắp xếp. (Ảnh minh hoạ) |
Như vậy, 2 nhóm đối tượng được xác định phải nghỉ việc trước thời điểm kết thúc lộ trình sắp xếp tổ chức bộ máy gồm:
Cán bộ, công chức cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019-2021 nhưng đến nay chưa được giải quyết.
Cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, công chức cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã giai đoạn 2023-2025.
Vì vậy, Nghị định số 178 (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 67) quy định các trường hợp này nếu đã được cấp có thẩm quyền giải quyết chính sách theo Nghị định số 29/2023 của Chính phủ (về tinh giản biên chế) nhưng chưa ban hành quyết định hưởng chính sách hoặc thời điểm nghỉ việc sau ngày 1/1/2025 thì được áp dụng chính sách, chế độ theo quy định tại Nghị định số 178 (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 67).
Hà Nội: Dôi dư hơn 11.000 cán bộ, công chức sau sắp xếp
Theo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đã được Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội thông qua, thành phố giảm từ 526 xã, phường xuống còn 126 xã, phường.
Theo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, số cán bộ, công chức tại 126 đơn vị hành chính cấp cơ sở hình thành sau sắp xếp đơn vị hành chính bình quân là 59 người/đơn vị hành chính (trong đó khối Đảng, đoàn thể là 27 người, khối chính quyền là 32 người), tương ứng với tổng số cán bộ, công chức: 7.434 người (khối Đảng, đoàn thể là: 3.402 người; khối chính quyền là: 4.032 người).
Số cán bộ, công chức khối chính quyền dôi dư là 11.668 người (so với số hiện có).
Trong khi đó, viên chức sự nghiệp giáo dục và viên chức ngành y tế tại trạm y tế cấp xã: 85.181 người (gồm viên chức ngành giáo dục cấp huyện 80.472 người hưởng lương từ ngân sách nhà nước; viên chức ngành y tế tại trạm y tế cấp xã 4.709 người) giữ nguyên theo hiện trạng, chuyển giao cho chính quyền cấp xã quản lý.
Viên chức sự nghiệp khuyến nông, văn hóa, sự nghiệp khác: 18.324 người (trong đó có 16.471 biên chế hưởng lương từ ngân sách, 1.853 biên chế hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp), thực hiện bố trí, sắp xếp theo hướng dẫn của Trung ương.
Thành phố cũng sẽ kết thúc việc sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đối với 4.635 người.
Về phương án sắp xếp, đối với số lượng cán bộ dôi dư (bao gồm Bí thư; Phó Bí thư; Chủ tịch; Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và trưởng các đoàn thể chính trị - xã hội) sẽ căn cứ theo các tiêu chuẩn quy định về công tác cán bộ, thực hiện lựa chọn những người đảm bảo đủ tiêu chuẩn để thực hiện quy trình kiện toàn các chức vụ lãnh đạo theo quy định.
Thành phố thực hiện điều chuyển cán bộ, công chức đến công tác tại các đơn vị khác còn khuyết chức vụ, chức danh hoặc còn thiếu công chức trong các tổ chức của hệ thống chính trị ở cấp tỉnh và cấp cơ sở.
Bố trí chỉ tiêu biên chế viên chức hưởng lương ngân sách trong tổng số biên chế được cấp có thẩm quyền giao, bảo đảm thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức, thực hiện đẩy mạnh tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực phù hợp với điều kiện, đặc điểm của địa bàn.
Đồng thời, thực hiện các chế độ, chính sách đối với người thuộc diện tinh giản biên chế theo quy định.
Việc sắp xếp tổ chức bộ máy không chỉ nhằm tinh gọn bộ máy hành chính mà còn đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc bố trí, xử lý nhân sự dôi dư một cách công khai, minh bạch và nhân văn. Hà Nội cùng nhiều địa phương khác đang phải đối mặt với bài toán vừa tinh giản vừa đảm bảo hiệu quả hoạt động bộ máy.
Tuệ Lâm