Hai trường hợp không được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp
(LĐ&PL) Theo Thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH sửa đổi của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, người lao động cần lưu ý 2 trường hợp không được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH ngày 31/7/2015 hướng dẫn thực hiện Điều 52 Luật Việc làm và một số điều của Nghị định 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp.
Theo Khoản 4 Điều 1 Thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH, người lao động không được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi thuộc một trong các trường hợp sau:
Thứ nhất, người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng thì chỉ được giải quyết hưởng tối đa 12 tháng trợ cấp thất nghiệp, còn số tháng còn lại chưa được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ không được bảo lưu.
Thứ hai, số tháng lẻ chưa hưởng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu tại quyết định hưởng sẽ không được bảo lưu khi người lao động thuộc 1 trong 3 trường hợp: Không đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp; bị hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp; bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH nêu rõ, các trường hợp không đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp, bị hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp thì thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu không bao gồm số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp đã được cơ quan Bảo hiểm xã hội bảo lưu.
B.D