Sửa đổi Hiến pháp năm 2013, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới
Sau khi dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 được công bố công khai lấy ý kiến đã thu hút sự tham gia góp ý của đông đảo người dân trên địa bàn Thủ đô. Nhiều ý kiến đã bày tỏ đồng thuận việc sửa đổi Hiến pháp năm 2013, mong muốn việc sửa đổi Hiến pháp sẽ mở ra cơ hội để đưa đất nước phát triển vững mạnh trong kỷ nguyên mới.
Hà Nội: Đẩy mạnh truyền thông lấy ý kiến Nhân dân về sửa đổi Hiến pháp năm 2013 Cử tri rất đồng tình, hưởng ứng việc sửa đổi Hiến pháp năm 2013 |
Ông Nguyễn Thế Toàn, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Hội Người cao tuổi thành phố Hà Nội:
Mặt trận và các tổ chức thành viên gần dân hơn, sát dân hơn
![]() |
Ông Nguyễn Thế Toàn, Chủ tịch Hội Người cao tuổi thành phố Hà Nội. |
Một trong những trọng tâm của sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này là các quy định liên quan đến Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Việc sửa đổi, bổ sung các điều khoản này nhằm thực hiện chủ trương của Đảng về thu gọn đầu mối, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị.
Các sửa đổi, bổ sung tại Điều 9 Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định rõ hơn vị thế của MTTQ Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đồng thời, có vai trò tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thể hiện ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân.
Việc quy định các tổ chức chính trị - xã hội (Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam) trực thuộc MTTQ Việt Nam, hoạt động thống nhất dưới sự chủ trì của Mặt trận là một bước đi quan trọng. Điều này sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp lại các tổ chức thành viên, giảm sự trùng lặp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm sự đồng bộ với cơ cấu tổ chức Đảng, giúp Mặt trận và các tổ chức thành viên gần dân hơn, sát dân hơn.
Trước những bước chuyển mình mạnh mẽ để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, tôi tin tưởng rằng, Hiến pháp sửa đổi sẽ góp phần hoàn thiện thể chế, sắp xếp lại bộ máy quản lý nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu quả để đưa đất nước ta ngày càng phát triển, đời sống của nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Bà Trần Thị Thu Hường, Chủ tịch Hội Người cao tuổi quận Tây Hồ:
Bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân được thực thi thực chất và hiệu quả:
![]() |
Bà Trần Thị Thu Hường, Chủ tịch Hội Người cao tuổi quận Tây Hồ. |
Theo dự thảo, Điều 9 Hiến pháp đã có bước điều chỉnh quan trọng. Các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc sẽ “tổ chức và hoạt động thống nhất trong MTTQ Việt Nam, cùng với các tổ chức thành viên khác của Mặt trận hiệp thương dân chủ, thống nhất và hành động dưới sự chủ trì của Mặt trận”.
Quy định này sẽ tạo ra sự thống nhất trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội; sự phối hợp giữa các tổ chức - xã hội trong xác định nội dung, đối tượng, phương thức và chủ thể thực hiện giám sát, phản biện xã hội.
Việc này cũng sẽ tạo ra khả năng huy động và sử dụng tổng hợp nguồn lực, cả về tổ chức, nhân sự và xã hội cho hoạt động giám sát, phản biện xã hội. Qua đó, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội sẽ phối hợp chặt chẽ hơn trong việc vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội đối với những chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân; giám sát cán bộ, đảng viên, người đứng đầu, cán bộ dân cử ở nơi công tác và ở khu dân cư.
Quan trọng hơn cả, thông qua công tác giám sát, phản biện xã hội, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội sẽ nắm bắt đầy đủ hơn tâm tư, nguyện vọng của nhân dân từ cơ sở, từ đó, tổng hợp, phản ánh kịp thời đến các cơ quan nhà nước, góp phần bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân được thực thi một cách thực chất và hiệu quả.
Ông Hoàng Quý Tuyên - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức:
Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, huy động trí tuệ, tâm huyết tham gia đóng góp ý kiến
![]() |
Ông Hoàng Quý Tuyên - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức |
Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 là cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và đúng với chủ trương của Đảng. Việc lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, huy động trí tuệ, tâm huyết và tạo sự đồng thuận, thống nhất cao của nhân dân trên địa bàn Thành phố.
Việc tham gia góp ý sửa đổi Hiến pháp năm 2013 được thực hiện trên các hệ thống điện tử là cách làm rất phù hợp với sự phát triển chung hiện nay, khi công nghệ số, chuyển đổi số đang lan tỏa trong mỗi người dân. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho hầu hết người dân dễ dàng tiếp cận, bày tỏ quan điểm và góp ý.
Ngay khi nhận được nội dung dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, xã Phùng Xá đã triển khai tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về mục đích, ý nghĩa, phạm vi, nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013. Ủy ban nhân dân xã giao Công an xã phối hợp với các đoàn thể tham gia hỗ trợ nhân dân đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trên ứng dụng VNeID,…
Chúng tôi tin tưởng rằng cuộc cách mạng tinh gọn lần này sẽ tạo tiền đề thuận lợi để đất nước ta tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Sau khi kết thúc thời gian lấy ý kiến nhân dân, chúng tôi sẽ tổ chức tổng hợp ý kiến của nhân dân, đảm bảo ghi nhận đầy đủ, khách quan ý kiến đóng góp theo đúng phạm vi, nội dung sửa đổi Hiến pháp 2013.
Anh Nguyễn Đình Thiết (Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam):
Sửa đổi Hiến pháp để phù hợp với tình hình mới
![]() |
Anh Nguyễn Đình Thiết (Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam) |
Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương và những nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này. Đây là “cơ hội vàng” để tạo hành lang pháp lý vững chắc cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin giúp việc tiếp nhận ý kiến, nguyện vọng của người dân được thực hiện nhanh chóng, đầy đủ và hiệu quả hơn, tạo sự thuận tiện cho đội ngũ công nhân lao động được tham gia đóng góp ý kiến. Theo tôi, những ý kiến đóng góp của người dân sẽ là một viên gạch góp phần vào xây dựng thể chế nhằm phục vụ cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy Nhà nước, một nhiệm vụ đang được thực hiện tích cực và đạt hiệu quả cao để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới.
Theo Điều 10 của Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tôi mong muốn thời gian tới, tổ chức Công đoàn vẫn tiếp tục có nhiều hơn các hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động.
Nguyễn Hoa