18:35 | 11/05/2025

Sáp nhập cấp xã: Hiệu trưởng, hiệu phó trường học có bị cắt giảm?

Trước chủ trương tổ chức lại chính quyền địa phương theo mô hình hai cấp, việc sáp nhập cấp xã trên phạm vi cả nước đang được triển khai nhằm tinh gọn bộ máy và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước. Tuy nhiên, quá trình này cũng đặt ra những băn khoăn từ đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý trường học, đặc biệt là câu hỏi: Hiệu trưởng và hiệu phó các trường học có bị cắt giảm?

Chủ trương dạy học 2 buổi/ngày không thu phí: Ưu việt, nhân văn Việt Nam giành 3 Huy chương Vàng tại Olympic Vật lý Châu Á 2025: Thành tích bứt phá ấn tượng

Theo Công văn 1581/BGDĐT-GDPT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), gửi các địa phương trong quá trình triển khai mô hình tổ chức chính quyền địa phương mới, các đơn vị sự nghiệp giáo dục - tức là các trường học - sẽ được giữ nguyên, không nằm trong diện sáp nhập.

Thay vào đó, Bộ đề nghị các địa phương chuyển giao chức năng quản lý nhà nước về giáo dục đối với các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở cho chính quyền cấp xã sau sáp nhập. Các trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên hiện thuộc UBND cấp huyện sẽ được chuyển về Sở GD&ĐT quản lý và tổ chức theo cụm liên xã để tinh gọn và hiệu quả hơn.

Vị trí hiệu trưởng, hiệu phó giữ nguyên

Tính đến thời điểm hiện tại, theo Bộ GD&ĐT, các vị trí hiệu trưởng, hiệu phó ở các trường học không thay đổi. Việc giữ nguyên cơ cấu tổ chức bộ máy trường học giúp đảm bảo sự ổn định trong quản lý, giảng dạy và học tập, đồng thời tránh xáo trộn không cần thiết về nhân sự khi tổ chức lại cấp xã.

Tuy nhiên, công tác bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động hoặc thay đổi vị trí việc làm đối với các hiệu trưởng và hiệu phó nay sẽ thuộc thẩm quyền của Sở Giáo dục và Đào tạo, theo hướng phân cấp mạnh hơn.

Phân quyền mạnh cho Sở GD&ĐT - Một bước đột phá

Trong bối cảnh cải cách hành chính, ngành Giáo dục đang tiến hành phân cấp mạnh mẽ cho Sở GD&ĐT các địa phương, trao thêm quyền và trách nhiệm trong quản lý nguồn nhân lực giáo dục. Cụ thể, Sở GD&ĐT sẽ:

Trình UBND tỉnh và cấp thẩm quyền quyết định vị trí việc làm, biên chế, tổng số người làm việc tại các trường công lập.

Thực hiện trực tiếp các nhiệm vụ về tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm, thay đổi chức danh, đào tạo – bồi dưỡng, đánh giá đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý.

Chủ động xây dựng kế hoạch tuyển dụng và phát triển nguồn nhân lực giáo dục, khắc phục tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ.

Cập nhật thông tin giáo viên, cán bộ quản lý vào cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục, phục vụ quản lý đồng bộ và minh bạch.

Riêng cấp mầm non, chức năng tuyển dụng vẫn sẽ do chính quyền cấp xã quyết định, phù hợp với thực tiễn địa phương.

QN (t/h)

Theo

Đường dẫn bài viết: https://laodongvaphapluat.laodongthudo.vn/sap-nhap-cap-xa-hieu-truong-hieu-pho-truong-hoc-co-bi-cat-giam-6371.html

In bài viết

Bản quyền thuộc về Lao động và Pháp luật