Bộ Y tế chỉ đạo siết chặt kiểm tra, phát hiện sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả
Trước tình trạng thực phẩm giả tràn lan trên thị trường, đặc biệt là sữa và thực phẩm chức năng giả, Bộ Y tế vừa có văn bản yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Danh tính 8 đối tượng sản xuất, buôn bán sữa giả vừa bị Công an khởi tố Vụ 573 loại sữa giả ung dung xâm nhập thị trường: Kẽ hở pháp lý nào giúp sữa giả "sống" thật? |
![]() |
Lực lượng chức năng kiểm tra kho hàng trong đường dây sản xuất 573 loại sữa bột giả. |
Ngày 6/5, Bộ Y tế - Thường trực Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm - đã gửi công văn đến Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cùng Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, yêu cầu tăng cường công tác quản lý và kiểm soát an toàn thực phẩm trong bối cảnh thực phẩm giả đang diễn biến ngày càng phức tạp.
Thời gian qua, hàng loạt vụ việc liên quan đến sữa giả, mì chính giả, dầu ăn giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả đã gây lo ngại lớn trong dư luận. Không chỉ vi phạm pháp luật, các hành vi này còn tiềm ẩn nguy cơ nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là trẻ nhỏ và người có nhu cầu dinh dưỡng đặc biệt.
Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị chức năng tập trung thanh tra, kiểm tra thị trường, chú trọng phát hiện: Nguyên liệu không rõ nguồn gốc; Sản phẩm chưa thực hiện thủ tục tự công bố hoặc đăng ký công bố; Thực phẩm kém chất lượng, giả mạo thương hiệu; Tất cả vi phạm phải được xử lý nghiêm minh, kịp thời theo đúng quy định pháp luật.
Bên cạnh công tác kiểm tra trực tiếp, Bộ Y tế cũng nhấn mạnh đến việc siết chặt quản lý nội dung quảng cáo thực phẩm - đặc biệt là trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông đại chúng. Các hành vi quảng cáo sai sự thật, gây hiểu lầm về công dụng hoặc xuất xứ sản phẩm sẽ bị xử lý theo luật định.
Ngoài ra, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị liên quan: Rà soát, sửa đổi hoặc đề xuất sửa đổi các quy định hiện hành liên quan đến an toàn thực phẩm, đặc biệt là đối với sữa, sản phẩm dinh dưỡng và thực phẩm chức năng. Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về tiêu chí chọn mua thực phẩm an toàn, có nguồn gốc rõ ràng.
Thông điệp của Bộ Y tế rõ ràng: Không để thực phẩm giả có cơ hội tồn tại trên thị trường. Bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng là nhiệm vụ cấp thiết và toàn diện, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành và toàn xã hội.
Quốc Nam (th)