TRỰC TUYẾN: Phổ biến Luật Thủ đô và những chính sách mới liên quan đến người lao động
Sáng nay (28/4), Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội tổ chức buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Phổ biến Luật Thủ đô và những chính sách mới liên quan đến người lao động”.
TRỰC TUYẾN chuyên đề “Tìm hiểu về An toàn, vệ sinh lao động và pháp luật lao động” TRỰC TUYẾN chuyên đề "Những điểm mới về chế độ, chính sách cho người lao động" |
Đây là một trong những hoạt động thiết thực của Báo Lao động Thủ đô và Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội hướng tới chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), Ngày Quốc tế Lao động 1/5, hưởng ứng Tháng Công nhân, Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động 2025.
Hoạt động này cũng nhằm tuyên truyền, phổ biến, cung cấp những kiến thức hữu ích liên quan đến chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội (BHXH) và Luật Thủ đô năm 2024 tới đội ngũ cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động.
![]() |
![]() |
Đại biểu và CNVCLĐ tham dự buổi đối thoại, giao lưu. |
Tham dự buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến có các đại biểu: Bà Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, Chủ tịch Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội; ông Đinh Tuấn Anh, Phó Tổng biên tập Báo Lao động Thủ đô; ông Trương Tiến Hưng, Phó Tổng Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Công ty Nước sạch Hà Nội.
Tham gia giải đáp câu hỏi của cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động có các chuyên gia: Tiến sĩ Đỗ Thị Lan Chi - Phó trưởng khoa An toàn lao động và sức khỏe nghề nghiệp, Trường Đại học Công đoàn; Tiến sĩ Nguyễn Huy Khoa - Chi hội Luật gia Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Thạc sĩ, luật sư Nguyễn Văn Hà - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.
Đặc biệt, tham dự buổi đối thoại, giao lưu còn có hơn 300 cán bộ công đoàn, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) ngành Xây dựng Hà Nội.
![]() |
Quang cảnh buổi đối thoại, giao lưu. |
8h00: Đại biểu thưởng thức các tiết mục văn nghệ do cán bộ, CNVCLĐ Công ty Nước sạch biểu diễn
![]() |
![]() |
8h50: Phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến, ông Đinh Tuấn Anh - Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô cho biết, các chính sách mới về BHXH và Luật Thủ đô 2024 là hai nội dung then chốt phản ánh sự quan tâm sâu sắc của Nhà nước đối với người lao động, đồng thời mang đến những cơ hội mới để bảo vệ và cải thiện cuộc sống, chất lượng sống của người lao động trong ngành Xây dựng đầy thách thức.
Theo Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô, BHXH với những điều chỉnh quan trọng vừa được sửa đổi, đang hướng tới việc mở rộng quyền lợi, đảm bảo an sinh và tạo sự công bằng, minh bạch hơn trong thực tiễn. Đối với ngành Xây dựng - nơi đặc thù công việc thường tiềm ẩn nhiều rủi ro, các chế độ BHXH, đóng vai trò như “lá chắn” bảo vệ quyền lợi lâu dài cho người lao động.
![]() |
Ông Đinh Tuấn Anh, Phó Tổng biên tập Báo Lao động Thủ đô phát biểu khai mạc buổi đối thoại, giao lưu. |
Những cải tiến trong chính sách BHXH bao gồm việc đơn giản hóa quy trình tham gia, tăng mức hỗ trợ đối với người bị ảnh hưởng bởi tính chất công việc, và mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm tự nguyện. Các thay đổi không chỉ đảm bảo sự ổn định mà còn giúp anh chị em công nhân trong ngành Xây dựng tự tin hơn khi đối diện với những rủi ro, đồng thời tạo cơ hội để chăm lo tốt hơn cho bản thân và gia đình.
Riêng về Luật Thủ đô năm 2024 với một loạt các chính sách mang tính chiến lược nhằm phát triển kinh tế - xã hội tại Hà Nội, đồng thời tập trung vào việc bảo vệ quyền lợi của người lao động, đặc biệt là những ngành nghề đặc thù như xây dựng. Các cơ chế pháp lý mới chú trọng vào việc cải thiện điều kiện làm việc tại các công trường, tăng cường giám sát an toàn và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ tai nạn, rủi ro. Những chính sách này không chỉ giúp môi trường làm việc an toàn hơn, mà còn nâng cao chất lượng lao động, góp phần thúc đẩy xã hội phát triển bền vững.
![]() |
Đoàn viên, CNVCLĐ tham gia buổi đối thoại, giao lưu |
“Cuộc đối thoại hôm nay là cơ hội để chúng ta lắng nghe và hiểu rõ hơn về các chính sách mới, là dịp để mọi người trực tiếp trao đổi, đưa ra những câu hỏi, chia sẻ những vướng mắc từ thực tiễn. Chúng tôi mong rằng tất cả anh chị em công nhân hãy mạnh dạn chia sẻ để chương trình thực sự mang lại những giá trị thiết thực, đóng góp vào việc thực thi các chính sách hiệu quả, sát thực tế nhất”, Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô Đinh Tuấn Anh nhấn mạnh.
![]() |
Ban tổ chức tặng hoa chuyên gia của buổi đối thoại, giao lưu |
9h00: Các chuyên gia trả lời câu hỏi của đoàn viên, CNVCLĐ
![]() |
Các chuyên gia buổi đối thoại, giao lưu |
![]() |
Đoàn viên, CNVCLĐ Công ty nước sạch Hà Nội tham gia buổi đối thoại, giao lưu |
Chị Đỗ Thị Thu, Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội hỏi: Tôi được biết Luật Thủ đô sửa đổi có nhiều cơ chế đặc thù, vượt trội. Xin chuyên gia cho biết những điểm mới trong lĩnh vực quản lý, cải tạo, chỉnh trang đô thị của Luật Thủ đô sửa đổi so với Luật Thủ đô 2012?
![]() |
Chị Đỗ Thị Thu đặt câu hỏi với các chuyên gia |
Chuyên gia Nguyễn Văn Hà: Luật Thủ đô năm 2024 có hiệu lực từ 1/1/2025 có 7 chương 54 điều, 5 nội dung có hiệu lực từ 1/7/2025. Một trong những nội dung thể hiện cơ chế đặc thù vượt trội là cải tạo, chỉnh trang đô thị.
Luật Thủ đô 2024 quy định việc cải tạo chỉnh trang đô thị trên địa bàn phải phù hợp quy hoạch, thiết kế đô thị, bảo vệ di sản văn hóa. Để cải tạo, cải trang đô thị phải bám các tiêu chí. Việc cải tạo, chỉnh trang đô thị trên địa bàn Thành phố được thực hiện trong các trường hợp: Khu vực đô thị có các công trình xây dựng có kết cấu, khoảng cách giữa các công trình không bảo đảm quy chuẩn theo quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy; khu vực đô thị có các công trình xây dựng thuộc diện nguy hiểm, xuống cấp, có nguy cơ sập đổ thuộc trường hợp buộc phải phá dỡ theo quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về nhà ở; khu vực có hạ tầng giao thông không bảo đảm yêu cầu về an toàn giao thông theo quy định của pháp luật về giao thông;
![]() |
Chuyên gia Nguyễn Văn Hà |
Khu vực đô thị không bảo đảm đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của đơn vị ở mà không còn đủ quỹ đất để phát triển bổ sung hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; khu vực đô thị không phù hợp với quy hoạch, quy chế quản lý kiến trúc, thiết kế đô thị; khu vực đô thị có chỉ tiêu dân số vượt quá tiêu chuẩn, quy chuẩn của đơn vị ở cần di dời để giảm mật độ dân cư theo quy hoạch; Khu vực đô thị có các công trình kiến trúc có giá trị, các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh cần được bảo vệ, tu bổ nhưng có các công trình xây dựng xung quanh không phù hợp với việc bảo vệ; Khu vực đô thị có trụ sở cơ quan, đơn vị, cơ sở phải di dời theo quy định của pháp luật.
Luật Thủ đô năm 2024 có điều khác biệt, Hà Nội có nhiều chung cư cũ, việc thực hiện các biện pháp cải tạo được thực hiện nhưng số lượng chung cư được cải tạo rất ít, bởi chưa có cơ chế chính sách phù hợp cho sự phát triển đô thị, ngày trước dùng cơ chế chính sách của nhà nước để khuyến khích các doanh nghiệp cải tạo các dự án chung cư cũ, Luật Thủ đô năm 2024 ngoài các cơ chế đó theo quy định của Luật Nhà ở, Luật Đất đai thì có có cơ chế đồng thuận, trong các khu chung cư đó, nếu người dân có thể tự thỏa thuận, giao cho chủ doanh nghiệp hoặc người dân tự đứng ra để thỏa thuận, khi lập dự án đó người dân được quyền lập dự án, để tạo ra sự đồng thuận thì đưa ra tiêu chí 75% tỷ lệ người dân đồng thuận triển khai dự án tương ứng với 75% diện tích các nhà chung cư, diện tích đất người dân đang trực tiếp quản lý sử dụng, khi đó nhà nước sẽ giao quyền cho chủ đầu tư, chủ đầu tư đó chính là người dân thiết lập nên để tạo điều kiện cho người dân trong cải tạo chung cư cũ. Khi tạo sự đồng thuận như vậy mà không có doanh nghiệp nào đầu tư vào thì nhà nước sẽ thay cộng đồng dân cư nơi các chung cư đó để thực hiện việc làm chủ đầu tư, căn cứ vào hồ sơ thiết kế quy hoạch có đảm bảo quy định nhà nước đặt ra hay không để thực hiện.
![]() |
Bà Nguyễn Thị Thanh, Chủ tịch Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội tặng quà người lao động tham gia phần giao lưu tại chương trình |
Chị Nguyễn Thị Thuý, Xí nghiệp Kinh doanh Nước sạch Cầu Giấy hỏi: Thời gian tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) gián đoạn không quá bao nhiêu tháng thì vẫn được tính là liên tục?
![]() |
Chị Nguyễn Thị Thuý, Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Cầu Giấy. |
Chuyên gia Nguyễn Huy Khoa: Theo quy định của pháp luật hiện hành, nếu thời gian gián đoạn dưới 3 tháng thì vẫn tính là liền mạch, nếu trên 3 tháng thì không được tính liền mạch tiếp theo.
Anh Nguyễn Quang Minh, Xí nghiệp Kinh doanh Nước sạch Ba Đình hỏi: Việc cắt điện, cắt nước được quy định trong Luật Thủ đô năm 2024 thế nào?
![]() |
Anh Nguyễn Quang Minh đặt câu hỏi liên quan đến Luật Thủ đô |
Chuyên gia Nguyễn Văn Hà: Trong Luật Thủ đô 2024 có 1 quy định về việc cắt điện, cắt nước trong trường hợp các công trình vi phạm. Có thể thấy, tại Hà Nội, thời gian qua, tình trạng vi phạm tại các công trình xây dựng diễn ra rất nhiều. Mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp xử lý nhưng các biện pháp này chưa triệt để. Bởi vậy, sau nhiều hội nghị, hội thảo, đánh giá của các chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước cho rằng việc chấp hành pháp luật tại Hà Nội rất quan trọng.
Do vậy, Luật Thủ đô sửa đổi cần có quy định về việc ngừng cung cấp điện, nước với các công trình vi phạm, trong trường hợp cần thiết. Theo đó, việc ngừng cung cấp điện nước không chỉ dành cho chủ vi phạm mà còn dành cho các cá thể liên quan. Các biện pháp này nhằm đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn Thành phố. Theo Luật Thủ đô năm 2024, có 3 nhóm đối tượng sẽ bị ngừng cung cấp điện, nước như sau: Các hành vi lấn chiếm đất đai, chuyển đổi mục đích sử dụng trái phép; các công trình vi phạm pháp luật trái phếp, sai phép; vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy. Đây được coi là một trong những chế tài đặc biệt được quy định trong Luật Thủ đô 2024.
![]() |
Đoàn viên, CNVCLĐ tham gia buổi đối thoại, giao lưu |
Chị Đỗ Thị Thu Hằng, Xí nghiệp Kinh doanh Nước sạch Cầu Giấy hỏi: Xin chuyên gia cho biết những điểm mới trong Luật BHXH và Luật Thủ đô 2024. Luật Thủ đô sửa đổi có quy định nào tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thiết yếu như cấp nước sạch trong việc phối hợp với chính quyền địa phương để xử lý vi phạm hành lang bảo vệ công trình cấp nước không?
![]() |
Chị Đỗ Thị Thu Hằng, Xí nghiệp Kinh doanh Nước sạch Cầu Giấy đặt câu hỏi với các chuyên gia. |
Chuyên gia Nguyễn Huy Khoa: Luật BHXH 2024 thay thế Luật BHXH 2014 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025 gồm một số điểm mới trọng tâm: Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng; bổ sung quy định nhằm gia tăng sự liên kết giữa tầng trợ cấp hưu trí xã hội và BHXH cơ bản; mở rộng đối tượng được tham gia; bổ sung quyền thụ hưởng chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện; đóng BHXH tối thiểu 15 năm sẽ được hưởng lương hưu; khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần;
![]() |
Chuyên gia Nguyễn Huy Khoa |
Bảo đảm quyền tham gia và thụ hưởng BHXH với lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam; nâng cao hiệu quả đầu tư Quỹ BHXH; bổ sung quy định về bảo hiểm hưu trí bổ sung; quy định cụ thể về “mức tham chiếu” thay cho “mức lương cơ sở”; quy định rõ về quản lý thu, đóng BHXH; quy định giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH; sửa đổi, bổ sung quy định của các chế độ BHXH phù hợp hơn với thực tiễn, bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người lao động.
Chuyên gia Nguyễn Văn Hà: Điểm mới Luật Thủ đô 2024, các cơ chế chính sách bám sát các nội dung lớn. Luật Thủ đô 2012 khi ban hành dành cơ chế cho Chính phủ, Luật Thủ đô 2024 chủ yếu dành cho HĐND Thành phố hướng dẫn. Luật Thủ đô 2024 có 7 chương, 54 Điều có khoảng 114 văn bản hướng dẫn, so với Luật Thủ đô 2012 và các Luật khác đây là Luật có văn bản hướng dẫn nhiều nhất. 9 nhóm chính sách lớn trong Luật Thủ đô 2024 gồm: Tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại; thu hút sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao; nâng cao năng lực, tài chính ngân sách và huy động nguồn lực cho phát triển Thủ đô; phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng kỹ thuật giao thông của Thủ đô; phát triển nông nghiệp sinh thái và nông thôn hiện đại; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, phát triển văn hóa; nâng cao tiềm lực khoa học, công nghệ; phát triển hệ thống y tế hiện đại; phát triển vùng Thủ đô thành khu vực phát triển nhanh.
![]() |
Ông Đinh Tuấn Anh, Phó Tổng biên tập Báo Lao động Thủ đô trao quà tới người lao động. |
Anh Nguyễn Hoàng Nam, Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội hỏi: Tính đến thời điểm hiện tại, Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 vẫn là văn bản pháp luật chính thức và có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, trong năm 2024, Luật này đã được sửa đổi, bổ sung một số điều thông qua Luật BHXH với các nội dung sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7/2025. Xin chuyên gia chia sẻ những điểm sửa đổi, bổ sung đáng chú ý.
![]() |
Anh Nguyễn Hoàng Nam, Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội hỏi với các chuyên gia. |
Chuyên gia Nguyễn Huy Khoa: Liên quan đến câu hỏi của bạn tôi xin trả lời như sau, việc sửa đổi Luật BHXH 2024 chỉ điều chỉnh về mặt nguyên tắc, còn Luật An toàn lao động là luật chuyên ngành chính vì vậy không có nhiều thay đổi mà chỉ là sửa đổi một số thuật ngữ cho phù hợp hơn.
Đơn cử khi tính chế độ BHXH 1 lần cho người lao động thì Luật BHXH sẽ tính theo lương tham chiếu thay vì mức lương cơ sở hiện hành, rồi bảo hiểm 1 lần cho người lao động không may bị mất thì gia đình cũng sẽ nhận theo mức lương tham chiếu. Sự thay đổi này là để phù hợp cho việc điều chỉnh cách tính lương sắp tới.
Bạn đọc hỏi: Trong lúc đi làm việc thì bạn tôi bị tai nạn giao thông, mất 35% sức khoẻ. Theo luật thì bạn tôi có được hưởng chế độ tai nạn lao động không? Và cần những thủ tục gì để được hưởng chế độ?
Chuyên gia Đỗ Thị Lan Chi: Thưa các anh chị, người lao động khi bị tai nạn lao động cần nhớ có 2 chế độ sẽ được hưởng: 1 là quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, tai nạn nghề nghiệp; 2 là do người chủ sử dụng chi trả. Từ trước đến nay, khi nói đến chế độ được hưởng của người lao động khi bị tai nạn lao động, rất nhiều người chỉ quan tâm đến các chế độ được hưởng từ quỹ bảo hiểm tai nạn lao động chi trả nhưng ko quan tâm đến các chế độ của người sử dụng lao động phải chi trả.
![]() |
Chuyên gia Đỗ Thị Lan Chi |
Tuy nhiên, các anh chị cần nhớ rằng, khi bị tai nạn giao thông trên quãng đường đi làm việc, để được hưởng các chế độ là tai nạn lao động, người lao động phải chứng minh được đây là tai nạn lao động, trên quãng đường và thời gian hợp lý. Khi đó, người lao động cần thông báo cho người sử dụng lao động, làm một số thủ tục như kịp thời sơ cứu cấp cứu, người sử dụng lao động sẽ tạm ứng các khoản tiền trong quá trình cấp cứu; thanh toán chi phí y tế, viện phí; chi trả tiền lương trong quá trình bị tai nạn lao động; tiền bồi thường tai nạn lao động; trợ cấp cho người bị tai nạn lao động…
Ngoài ra, người sử dụng lao động sau khi thời gian điều trị ổn định phải đưa đi giám định kiểm tra sức khỏe để được hưởng trợ cấp liên quan đến người sử dụng lao động phải chi trả. Như chị nói, người lao động suy giảm 35% thì sẽ được các chế độ tai nạn lao động. Theo đó, hồ sơ hưởng chế độ tai nạn lao động bao gồm những giấy tờ sau đây: Sổ BHXH; Giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi đã điều trị tai nạn lao động đối với trường hợp nội trú; Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa; Văn bản đề nghị giải quyết chế độ tai nạn lao động. Tuy nhiên, anh chị cần lưu ý, không phải vụ tai nạn giao thông nào trên tuyến đường hợp lý và thời gian hợp lý đều được hưởng, mà còn liên quan đến nguyên nhân xảy ra tai nạn. Ví dụ, người lao động cố ý, mâu thuẫn của cá nhân với người gây tai nạn; sử dụng các chất cấm… thì sẽ không được hưởng.
![]() | |
|
Anh Lê Chiến Thắng, Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Ba Đình hỏi: Xin chuyên gia cho biết, những hành vi nào bị nghiêm cấm trong pháp luật an toàn vệ sinh lao động 2024?
![]() |
Anh Lê Chiến Thắng đặt câu hỏi |
Chuyên gia Đỗ Thị Lan Chi: Ở đây, Luật an toàn vệ sinh lao động không chỉ quy định các hành cấm đối với người lao động mà chủ yếu liên quan đến người sử dụng lao động. Theo đó, có 7 hành vi cấm cụ thể như sau:
1. Che giấu, khai báo hoặc báo cáo sai sự thật về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; không thực hiện các yêu cầu, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động gây tổn hại hoặc có nguy cơ gây tổn hại đến người, tài sản, môi trường; buộc người lao động phải làm việc hoặc không được rời khỏi nơi làm việc khi có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng sức khỏe, tính mạng của họ hoặc buộc người lao động tiếp tục làm việc khi các nguy cơ đó chưa được khắc phục.
2. Trốn đóng, chậm đóng tiền bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chiếm dụng tiền đóng, hưởng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; gian lận, giả mạo hồ sơ trong việc thực hiện bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; không chi trả chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động; quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp không đúng quy định của pháp luật; truy cập, khai thác trái pháp luật cơ sở dữ liệu về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
![]() |
Ban tổ chức tặng quà người lao động |
3. Sử dụng máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động không được kiểm định hoặc kết quả kiểm định không đạt yêu cầu hoặc không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, hết hạn sử dụng, không bảo đảm chất lượng, gây ô nhiễm môi trường.
4. Gian lận trong các hoạt động kiểm định, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, quan trắc môi trường lao động, giám định y khoa để xác định mức suy giảm khả năng lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; cản trở, gây khó khăn hoặc làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng về an toàn, vệ sinh lao động của người lao động, người sử dụng lao động.
5. Phân biệt đối xử về giới trong bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; phân biệt đối xử vì lý do người lao động từ chối làm công việc hoặc rời bỏ nơi làm việc khi thấy rõ có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của mình; phân biệt đối xử vì lý do đã thực hiện công việc, nhiệm vụ bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở của người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động, an toàn, vệ sinh viên, người làm công tác y tế.
6. Sử dụng lao động hoặc làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động khi chưa được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động.
7. Trả tiền thay cho việc bồi dưỡng bằng hiện vật.
Anh Nhâm Như Toại, Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Hoàng Mai hỏi: Chúng tôi có nhận quyết định cắt điện nước nhưng chủ thể ký là Phó Chủ tịch cấp xã, phường, vậy chúng tôi có nên thực hiện không hay được phép khước từ?
![]() |
Anh Nhâm Như Toại |
Chuyên gia Nguyễn Văn Hà: Nghị quyết 33 quy định rõ thẩm quyền ban hành quyết định cắt điện nước là thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên chúng ta cũng cần hiểu rõ căn cứ theo Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật Thủ đô thì khi ban hành các quyết định xử lý thì chính quyền địa bao giờ cũng đã có uỷ quyền, cái này chúng ta có thể thấy rõ trong văn phong như việc Phó Chủ tịch UBND cấp xã Ký thay Chủ tịch UBND cấp xã phường. Đây chính là ủy quyền.
Chị Nguyễn Thị Hằng, Nhà máy Nước Bắc Thăng Long hỏi: Luật BHXH 2024, thời gian giải quyết nghỉ chế độ thai sản nam có thời hạn 60 ngày thay vì 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con, và không nhất thiết phải nghỉ liên tục mà có thể nghỉ gián đoạn có đúng không?
Chuyên gia Nguyễn Huy Khoa: Luật BHXH 2024 cách thức điều chỉnh tiệm cận đến quyền lợi thực tiễn của đối tượng thụ hưởng. Lao động nam nghỉ thai sản trong các trường hợp: Vợ sinh con; lao động nam nhận trẻ sơ sinh 6 tháng làm con nuôi; khi vợ sinh con có sự cố rủi ro từ vợ; thực hiện biện pháp kế hoạch hóa gia đình. Lao động nam có vợ sinh con theo Luật BHXH 2024, thời gian nghỉ việc được tính trong khoảng thời gian 60 ngày kể từ ngày vợ sinh con và không áp dụng một lần, tổng thời gian nghỉ vẫn thế nhưng phương thức nghỉ có thể áp dụng một lần hay nhiều lần do NLĐ lựa chọn.
Chị Nguyễn Thị Hạnh Thắm, Nhà máy nước Ngọc Hà hỏi: Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực thay thế Bộ Luật Lao động 2012 thì Nghị định 49 và Thông tư 17 cũng hết hiệu lực kể từ 1/2/2021. Xin hỏi chuyên gia, công ty của em trai tôi vẫn sử dụng thang lương, bảng lương đã được xây dựng theo các văn bản của Nhà nước hướng dẫn trước đây thì đúng hay sai?
![]() |
Nguyễn Thị Hạnh Thắm |
Chuyên gia Nguyễn Huy Khoa: Về mặt nguyên tắc khi Luật hay văn bản quy phạm pháp luật do nhà nước ban hành có hiệu lực pháp lý thì các tổ chức cá nhân thuộc đối tượng phạm vi điều chỉnh của văn bản đó có nghĩa vụ thực hiện. Nếu các quy định trước đây của các đơn vị đang thực hiện, cụ thể ở đây là đang thực hiện theo Bộ luật Lao động 2012, trường hợp này có thể áp dụng khi đối chiếu thấy nội dung các quy định đó không vi phạm, trái với Bộ luật Lao động 2019 thì vẫn được áp dụng.
Nếu trường hợp xây dựng thang bảng lương không còn phù hợp với quy định về chế độ tiền lương của Bộ luật Lao động 2019 và Nghị định 145 năm 2020 thì đơn vị sử dụng lao động đó phải sửa đổi những văn bản nội bộ. Lưu ý khi ban hành các văn bản cần chú ý điều khoản thi hành, phải xác định hiệu lực của văn bản đó có hiệu lực từ bao giờ, có phải hủy bỏ những văn bản ban hành trước đây không. Trường hợp này Công đoàn sẽ tham gia, giám sát cùng chủ sử dụng lao động xây dựng các quy chế nội bộ của đơn vị.
Anh Dương Anh Quân, Xí nghiệp Nước sạch Hai Bà Trưng hỏi: Xin hỏi chuyên gia, trường hợp 1 hợp đồng cấp nước cấp cho nhiều hộ gia đình, khi 1 trong các gia đình vi phạm quy định thì có được thực hiện cắt nước không?
Chuyên gia Nguyễn Văn Hà: Về trường hợp này chúng ta cần lưu ý đối tượng điều chỉnh đó có nhằm trong phạm vi điều chỉnh của chúng ta hay không. Để làm được việc này thì trước hết cần xác định rõ lý do vì sao nhiều hộ gia đình lại sử dụng chung 1 hợp đồng, 1 đồng hồ cấp nước. Về cơ bản Luật chỉ xác định chủ thể vi phạm, công trình vi phạm, quá trình vi phạm… do đó để triển khai thì đối với từng trường hợp cụ thể cần rà soát. Chúng ta cũng có thể đề nghị với UBND phường xã trước khi ban hành quyết định thì cần có sự phối hợp để các quyết định đảm bảo phù hợp với thực tế.
Phát biểu bế mạc tại buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến, bà Nguyễn Thị Thanh - Chủ tịch Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội cho biết, qua theo dõi chương trình, từ đầu buổi sáng hôm nay đã có rất nhiều câu hỏi băn khoăn, thắc mắc của người lao động đã được các chuyên gia hàng đầu của Hà Nội trao đổi, giải quyết thắc mắc.
“11 năm qua Báo Lao động Thủ đô tổ chức chương trình đối thoại, giao lưu trực tuyến, Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội đều đồng hành cùng với Báo, giải đáp thắc mắc cho người lao động các vấn đề liên quan đến bảo hiểm xã hội, pháp luật lao động, Luật Thủ đô. Năm nay là một năm ấn tượng nhiều kỉ niệm với Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội. Hi vọng thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với Báo tổ chức nhiều nội dung ý nghĩa, sát thực hơn với người lao động”, bà Thanh bày tỏ. |
Nhóm PV