Cần cân nhắc đề xuất xây dựng lực lượng phòng không nhân dân trong doanh nghiệp
(LĐ&PL) Đề xuất xây dựng dự án Luật Phòng không nhân dân đã đề xuất chính sách mới là “tổ chức, xây dựng lực lượng phòng không nhân dân trong các doanh nghiệp”.
Cán bộ, công chức có phải tham gia nghĩa vụ quân sự hay không? Sinh viên hệ chính quy được tạm hoãn gọi nhập ngũ Năm 2023 công dân sẽ được tạm hoãn hoặc miễn nghĩa vụ quân sự trong trường hợp nào? |
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản góp ý dự thảo các văn bản lập đề nghị xây dựng dự án Luật Phòng không nhân dân, do Bộ Quốc phòng đề nghị.
Đề cương chi tiết dự án Luật quy định, Luật Phòng không nhân dân quy định chính sách, nguyên tắc, xây dựng, huy động, tổ chức hoạt động, công tác quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ; các biện pháp về bảo đảm an toàn phòng không; quyền và nghĩa vụ của công dân; bảo đảm nguồn lực, chính sách và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với phòng không nhân dân.
Đề xuất xây dựng dự án Luật Phòng không nhân dân đã đề xuất chính sách mới là “tổ chức, xây dựng lực lượng phòng không nhân dân trong các doanh nghiệp”, với các quy định dự kiến như: “Tổ chức được ít nhất 1 tổ (đội) kiêm nhiệm phòng không nhân dân trong một cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp”; “Doanh nghiệp được tổ chức lực lượng phòng không nhân dân khi có đủ các điều kiện”.
Lực lượng phòng không nhân dân sẽ được huy động trong thời bình (tham gia quản lý vùng trời, quản lý hoạt động bay của tàu bay không người lái, các phương tiện bay siêu nhẹ; tập huấn, huấn luyện, bồi dưỡng nội dung phòng không nhân dân trong diễn tập khu vực phòng thủ); huy động trong thời chiến (chiến đấu, phục vụ chiến đấu, khắc phục hậu quả; tổ chức sơ tán, phân tán, phòng tránh, đánh trả địch xâm nhập, tiên công đường không)...
![]() |
Ảnh minh họa. (Ảnh: VGP) |
Dựa vào nội dung đánh giá mặt tích cực của chính sách tại Dự thảo Báo cáo đánh giá tác động, VCCI cho rằng, mục tiêu của quy định này nhằm sử dụng lực lượng tại chỗ của doanh nghiệp để bảo vệ tài sản, con người khi có chiến tranh xảy ra, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhà nước, các công trình năng lượng lớn của quốc gia, các tập đoàn dầu khí, các tập đoàn kinh tế nhà nước, các nhà máy, xí nghiệp có liên quan đến nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, là những mục tiêu bị địch đánh phá ngay trong giai đoạn đầu chiến tranh.
Tuy vậy, VCCI cho rằng, chính sách mới này có thể sẽ làm gia tăng chi phí tuân thủ quy định và ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp (khi yêu cầu doanh nghiệp phải có đội kiêm nhiệm phòng không nhân dân; đội kiêm nhiệm này có thể phải tham gia tập huấn, huấn luyện, bồi dưỡng nội dung phòng không nhân dân).
Dự thảo Báo cáo Đánh giá tác động khi đánh giá tác động tiêu cực của chính sách này có nhận định “khi huy động các thành phần tham gia hoạt động phòng không nhân dân sẽ ảnh hưởng đến thời gian công tác chuyên môn, chuyên ngành và việc điều hành sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, các cá nhân, do đó hiệu quả tham gia công tác không cao”.
Vì vậy, để vừa đảm bảo mục tiêu quản lý nhà nước vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, VCCI đề nghị cân nhắc đề xuất xây dựng lực lượng phòng không nhân dân trong doanh nghiệp theo hướng thu hẹp phạm vi, chỉ áp dụng đối với các doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp quân đội, tại các ngành nghề quan trọng, có nguy cơ bị đánh phá khi có cuộc tấn công hỏa lực đường không.
Cũng theo VCCI, các hoạt động phòng không nhân dân trong thời bình, nên lồng ghép với các hoạt động đảm bảo an ninh quốc phòng khác, để đảm bảo không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Bởi vì, Luật Dân quân tự vệ cũng quy định việc tổ chức lực lượng dân quân tự vệ trong doanh nghiệp và có các kế hoạch huấn luyện dân quân tự vệ hàng năm.
Bên cạnh đó, VCCI cũng góp ý về quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ. Trong đó, vấn đề cần đặt ra theo VCCI là cần sửa đổi Luật Hàng không dân dụng để quy định cụ thể hơn về tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ (Luật này đang chỉ quy định mang tính nguyên tắc và trao quyền cho Chính phủ quy định chi tiết) hay là quy định tại Luật mới là Luật Phòng không nhân dân?
“Dự thảo Báo cáo đánh giá tác động cần bổ sung lập luận để làm nổi bật hơn sự cần thiết và hợp lý khi chuyển các quy định về tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ từ hàng không dân dụng sang phòng không nhân dân”, VCCI góp ý.
Phương Thảo